Qua 15 năm đi vào thực tiễn, Luật TC&QCKT đã bộc lộ một số hạn chế về công tác phối hợp trong xây dựng, thẩm định, công bố, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Công tác lập, triển khai kế hoạch xây dựng TCVN, QCVN
Luật TC&QCKT và các văn bản hướng dẫn đã có các quy định rõ ràng về trách nhiệm, quy trình xây dựng TCVN, QCVN. Bộ KH&CN với vai trò là cơ quan giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đã chủ động xây dựng các chương trình quốc gia, kế hoạch, định hướng phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia; hướng dẫn, hỗ trợ cho các bộ, ngành rà soát, sửa đổi, xây dựng mới các TC&QCKT do các bộ, ngành quản lý không bị chồng chéo, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, đáp ứng yêu cầu quản lý, phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân; hướng dẫn bộ, ngành, địa phương trong công tác lập quy hoạch, kế hoạch TCVN, QCVN, QCĐP của các bộ, ngành, địa phương đi vào nề nếp, khai thác hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước và nguồn đầu tư của xã hội vào phát triển hệ thống tiêu chuẩn.
Loại bỏ được tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trước đây khi các Bộ tự xây dựng tiêu chuẩn ngành (TCN). Các quy trình, thủ tục tổ chức biên soạn, thẩm định, công bố tiêu chuẩn quốc gia; quy định về thể thức trình bày, ghi số hiệu TCVN hoàn toàn phù hợp với hướng dẫn của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO, IEC, góp phần thuận lợi cho công tác hội nhập, hài hòa hệ thống tiêu chuẩn quốc gia với tiêu chuẩn quốc tế, khu vực.
Hằng năm, Bộ KH&CN chủ động đôn đốc, phối hợp các bộ, ngành, địa phương trong việc định hướng, xây dựng kế hoạch TCVN, QCVN, QCĐP đối với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ chủ lực và những vấn đề thiết yếu khác của nền kinh tế - xã hội đất nước; phù hợp với yêu cầu, quy định của các Hiệp định thương mại quốc tế mà Việt Nam cam kết và tham gia (WTO, EVFTA, CPTPP, RCEP…).
Tuy nhiên, trên thực tế, công tác này còn gặp những khó khăn, vướng mắc nhất định, chủ yếu xuất phát từ sự phối hợp của các cơ quan liên quan hoặc thiếu quy định pháp luật hướng dẫn cụ thể. Ví dụ như theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong công tác lập, triển khai kế hoạch xây dựng QCVN hàng dự trữ quốc gia do Bộ Tài chính chủ trì thực hiện, theo quy định hàng năm, Bộ Tài chính (Tổng cục dự trữ nhà nước) có công văn đôn đốc và đề nghị các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia lập kế hoạch xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và định mức kinh tế - kỹ thuật hàng dự trữ quốc gia.
Ảnh minh hoạ
Các Bộ ngành có gửi kế hoạch xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và định mức kinh tế-kỹ thuật nhưng chưa triển khai theo kế hoạch đã đăng ký hoặc còn triển khai rất chậm; quá trình tham gia ý kiến, xây dựng, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật tại một số Bộ ngành còn chưa đúng theo thời hạn quy định (Bộ Tài chính phải có văn bản đôn đốc nhiều lần), dẫn tới thời gian ban hành văn bản chưa được kịp thời. Theo đó, Bộ Tài chính (Tổng cục Dự trữ nhà nước) chưa chủ động được trong việc đăng ký kế hoạch xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hàng dự trữ quốc gia do các Bộ quản lý.
Nghị định số 78/2018/NĐ-CP ngày 16/5/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật TC&QCKT đã quy định thẩm quyền ban hành QCVN cho các bộ, ngành. Tuy nhiên trên thực tế, một số đối tượng cụ thể có sự giao thoa, chồng chéo về phạm vị quản lý trong TCVN, QCVN thuộc thẩm quyền xây dựng của nhiều Bộ ngành (ví dụ: TCVN về bồn chưa nổi khí hóa lỏng NLG có sự giao thoa trách nhiệm quản lý nhà nước giữa Bộ Công Thương và Bộ Giao thông vận tải; QCVN về muối ăn có sự chồng chéo quản lý nhà nước giữa Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), gây ảnh hưởng tới hoat động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nguyên nhân là do công tác lập quy hoạch, kế hoạch QCVN, TCVN của các bộ ngành thiếu tính hệ thống, việc phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan đôi lúc chưa hiệu quả, ở một mức độ nhất định vẫn còn tồn tại quan điểm ”giữ sân, bao sân quản lý”.
Đối với công tác ban hành QCVN
So với số lượng các mặt hàng thực tế các bộ, ngành đang quản lý thì số lượng mặt hàng có QCVN theo đúng quy định của pháp luật còn hạn chế, dẫn đến khó khăn trong công tác kiểm tra chuyên ngành, thông quan hàng hóa của người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng các bộ, ngành sau khi ban hành QCVN hoặc trường hợp không ban hành QCVN sau khi có kết luận thẩm định của Bộ KH&CN không gửi về Bộ KH&CN để đăng ký theo quy định hoặc không thông báo tới Bộ KH&CN dẫn đến tình trạng tổng hợp, cập nhật thông tin gặp nhiều khó khăn.
Công tác xây dựng, ban hành QCĐP
Hoạt động xây dựng, ban hành QCĐP thời gian qua phát triển rất mạnh. Tuy nhiên, quy định trong Luật TC&QCKT đối với QCĐP lại khá chung chung, chưa cụ thể, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn xây dựng, áp dụng QCĐP tại các địa phương. Ví dụ: chưa quy định cụ thể trách nhiệm trong công tác lập kế hoạch xây dựng QCĐP nhằm đảm bảo tính thống nhất, không chồng chéo giữa các bộ, ngành, địa phương; các quy trình, thủ tục, nội dung xây dựng, tổ chức thẩm định QCĐP chủ yếu viện dẫn, tham khảo đến các điều khoản, quy định cho QCVN. Vì vậy trong thực tế hiện nay, các địa phương khá bất cập, chưa thống nhất trong triển khai xây dựng, tổ chức thẩm định QCĐP.
Từ những thực trạng trên, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TC&QCKT hướng tới mục tiêu rà soát và kiến nghị các cơ quan, bộ ngành có liên quan trong việc sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến TC&QCKT trong các văn bản pháp luật trong lĩnh vực do các Bộ có thẩm quyền quản lý còn mâu thuẫn, chồng chéo với pháp luật về TC&QCKT nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Bên cạnh đó, khắc phục các khiếm khuyết, bất cập trong công tác xây dựng chính sách, pháp luật về TC&QCKT.
Phong Lâm