Chất lượng thực phẩm kém là nguyên nhân hàng đầu của hiện tượng suy dinh dưỡng. Việc ban hành các QCVN đối với sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ góp phẩm kiểm soát chặt chẽ chất lượng các sản phẩm này trên thị trường.
Hiện nay, suy dinh dưỡng nhất là suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi đang là vấn đề thách thức. Theo số liệu giám sát dinh dưỡng ở nước ta những năm gần đây, tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân là 14,5%, thể thấp còi là 24,9%, thể gầy còm là 6,8%...
Các nghiên cứu cho thấy, có nhiều nguyên nhân khiến tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ chậm được cải thiện, trong đó dinh dưỡng không hợp lý và chất lượng thực phẩm kém là nguyên nhân hàng đầu. Đặc biệt, tình trạng thực phẩm kém chất lượng ngày càng nhiều do việc trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản, chế biến nông sản thực phẩm không đúng quy cách. Nhất là việc lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, các hóa chất độc hại không được phép sử dụng… có ảnh hướng lớn đến sức khỏe và sự tăng trưởng của trẻ.
Nhằm kiểm soát chất lượng, mức độ an toàn của các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em, Bộ Y tế đã ban hành 4 bộ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia gồm: QCVN 11-2:2012/BYT Quy chuẩn quốc gia đối với sản phẩm dinh dưỡng công thức với mục đích y tế đặc biệt cho trẻ đến 12 tháng tuổi; QCVN 11-1:2012/BYT Quy chuẩn quốc gia đối với sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ đến 12 tháng tuổi; QCVN 11-4:2012/BYT Quy chuẩn quốc gia đối với sản phẩm dinh dưỡng chế biến từ ngũ cốc cho trẻ từ 6 đến 36 tháng tuổi; QCVN 11-3:2012/BYT Quy chuẩn quốc gia đối với sản phẩm dinh dưỡng công thức với mục đích ăn bổ sung cho trẻ từ 6 đến 36 tháng tuổi.
Sản phẩm dinh dưỡng công thức với mục đích y tế đặc biệt cho trẻ đến 12 tháng tuổi: Sản phẩm có dạng lỏng hoặc dạng bột chế biến từ các thành phần tổng hợp hoặc tự nhiên có nguồn gốc động vật hoặc thực vật, được sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng đặc biệt cho trẻ đến 12 tháng tuổi bị bệnh, rối loạn hoặc cần chăm sóc y tế.
Sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ đến 12 tháng tuổi: Sản phẩm có dạng lỏng hoặc dạng bột đáp ứng các nhu cầu về dinh dưỡng của trẻ đến 12 tháng tuổi, được chế biến từ: Sữa bò hoặc sữa động vật khác hoặc hỗn hợp của chúng và các thành phần thích hợp khác.
Trong QCVN 11-2:2012/BYT và QCVN 11-1:2012/BYT quy định sản phẩm dinh dưỡng công thức với mục đích y tế đặc biệt cho trẻ đến 12 tháng tuổi và sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ đến 12 tháng tuổi có thể được sử dụng như là nguồn thức ăn thay thế sữa mẹ theo quy định tại Thông tư liên tịch số 10/2006/TTLT/BYT-BTM-BVHTT-UBDSGĐTE ngày 25/8/2006 về việc hướng dẫn thi hành Nghị định số 21/2006/NĐ-CP ngày 27/2/2006 của Chính phủ về việc kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ.
Với các sản phẩm dinh dưỡng công thức với mục đích y tế đặc biệt cho trẻ đến 12 tháng tuổi, Bộ Y tế đã đưa ra các yêu cầu nguyên liệu và phụ gia thực phẩm đưa vào sản xuất phải đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, không được chứa gluten và thích hợp cho tiêu hoá của trẻ đến 12 tháng tuổi. Thành phẩm phải được xây dựng trên các nguyên lý dinh dưỡng và y học.
Đồng thời, trong QCVN 11-2:2012/BYT và QCVN 11-1:2012/BYT cũng quy định mức năng lượng và thành phần dinh dưỡng như các loại vitamin, protein, lipid, các khoáng chất và nguyên tố vi lượng… phải đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ. Bộ Y tế cũng quy định rất rõ ràng sản phẩm phải được chế biến theo nguyên tắc GMP để không còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, không được chứa các chất nhiễm bẩn/các chất không mong muốn với hàm lượng có thể gây nguy hại tới trẻ như melamin, độc tố vi nấm, vi khuẩn…
Theo QCVN 11-4:2012/BYT Quy chuẩn quốc gia đối với sản phẩm dinh dưỡng chế biến từ ngũ cốc cho trẻ từ 6 đến 36 tháng tuổi được chế biến chủ yếu từ một hoặc nhiều loại ngũ cốc xay như lúa mì, gạo, lúa mạch, yến mạch, lúa mạch đen, ngô, kê, lúa miến (sorghum) và kiều mạch (buckwheat).
Ngoài ra, nguyên liệu chế biến cũng có thể bao gồm đậu (đỗ), củ có tinh bột (củ dong, khoai lang hoặc sắn) hoặc cây có tinh bột; hạt có dầu với tỷ lệ nhỏ hơn. Các thành phần phải bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm theo quy định, trong đó ngũ cốc chiếm ít nhất 25% thành phần hỗn hợp cuối cùng tính theo khối lượng chất khô.
QCVN 11-4:2012/BYT cũng quy định rõ về thành phần dinh dưỡng, năng lượng và mức giới hạn các chất nhiễm bẩn, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật… nhằm bảo đảm dinh dưỡng và an toàn cho trẻ nhỏ.
QCVN 11-3:2012/BYT quy định sản phẩm dinh dưỡng công thức với mục đích ăn bổ sung cho trẻ từ 6 đến 36 tháng ở dạng bột hoặc dạng lỏng, được chế biến từ: Sữa bò hoặc sữa động vật khác và các thành phần có nguồn gốc động vật, thực vật phải đáp ứng nhu cầu về dinh dưỡng cho sự phát triển bình thường của trẻ giai đoạn từ 6 đến 36 tháng tuổi.
Sản phẩm có thành phần cơ bản là sữa phải đảm bảo trong 100 kcal sản phẩm chứa ít nhất 3 g protein (hay 0,7 g/100 kJ) có nguồn gốc từ sữa tách béo, sữa nguyên kem và chiếm tối thiểu 90% tổng lượng protein trong sản phẩm; có thể điều chỉnh hàm lượng protein nhưng không được làm giảm hàm lượng vitamin và chất khoáng trong sữa.
Ngoài các vitamin và chất khoáng quy định của Quy chuẩn này, sản phẩm có thể được bổ sung các thành phần dinh dưỡng khác để phù hợp với khẩu phần ăn phối hợp của trẻ từ 6 đến 36 tháng tuổi.
Tác dụng của các chất dinh dưỡng này phải được chứng minh khoa học. Các chất dinh dưỡng bổ sung vào thực phẩm phải có hàm lượng đủ để đáp ứng nhu cầu của trẻ từ 6 đến 36 tháng tuổi. Không được xử lý bằng bức xạ ion đối với sản phẩm và các nguyên liệu để sản xuất.
Việc ghi nhãn sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ phải theo đúng quy định tại Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về nhãn hàng hoá, các văn bản hướng dẫn thi hành và quy định của pháp luật. Các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ đã quy định rất cụ thể về chất lượng và mực giới hạn chất nhiễm bẩn để đảm bảo an toàn cho trẻ em phát triển khỏe mạnh, xây dựng môi trường thực phẩm lành mạnh, kiểm soát chặt chẽ thực phẩm không lành mạnh cũng như các sản phẩm thay thế sữa mẹ.
Doãn Trung - VietQ