Trước những thách thức và cơ hội của thế giới kỹ thuật số, việc tích hợp hệ thống quản lý an toàn thông tin theo tiêu chuẩn ISO/IEC 27001:2013 và hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 trở nên ngày càng quan trọng đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra toàn cầu, chuyển đổi số trở thành yếu tố quyết định đối với sự phát triển và cạnh tranh của doanh nghiệp, không chỉ tại Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Trước những thách thức và cơ hội của thế giới kỹ thuật số, việc tích hợp hệ thống quản lý an toàn thông tin theo tiêu chuẩn ISO/IEC 27001:2013 và hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 trở nên ngày càng quan trọng đối với doanh nghiệp Việt Nam.
Ảnh minh họa.
Hệ thống quản lý tích hợp (IMS - Integrated Management System) tích hợp tất cả hệ thống và quy trình của một tổ chức thành khung hoàn chỉnh, cho phép tổ chức hoạt động như một đơn vị duy nhất với các mục tiêu thống nhất. Việc tích hợp này cho phép doanh nghiệp hợp lý hóa quản lý, tiết kiệm thời gian và tăng hiệu quả bằng cách giải quyết tất cả yếu tố của hệ thống quản lý nói chung. Mô hình tích hợp chất lượng - an toàn thông tin gồm hai trụ cột là hệ thống quản lý (HTQL) chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 và HTQL an toàn thông tin theo tiêu chuẩn ISO/IEC 27001:2013.
HTQL chất lượng ISO 9001 giúp doanh nghiệp định hướng và kiểm soát tốt các hoạt động chất lượng, từ đó nâng cao uy tín và hiệu quả hoạt động làm cơ sở cho việc phát triển bền vững.
HTQL an toàn thông tin theo tiêu chuẩn ISO/IEC 27001 giúp quản lý an toàn thông tin một cách hiệu quả nhất. Thông tin ở đây bao gồm dữ liệu được lưu lại dưới dạng điện tử hoặc dữ liệu được in ra. Thông qua việc áp dụng ISO/IEC 27001, tổ chức sẽ xác định được loại thông tin và xác định các mối nguy, rủi ro có thể xảy ra. Sau đó thiết lập hệ thống, thiết lập sự kiểm soát cũng như quy trình để giảm thiểu các rủi ro đó. Vận hành hiệu quả HTQL an toàn thông tin sẽ giúp nâng cao uy tín của doanh nghiệp, tăng sức cạnh tranh, tạo lòng tin với khách hàng, đối tác, thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa và tăng cơ hội hợp tác quốc tế.
HTQL chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 và HTQL an toàn thông tin theo tiêu chuẩn ISO/IEC 27001:2013 có nhiều sự tương đồng. Bao gồm:
Thứ nhất, cả hai tiêu chuẩn đều áp dụng cấu trúc cấp cao HLS (High-Level Structure) gồm 10 điều khoản, trong đó yêu cầu được quy định trong 7 điều khoản từ 4 đến 10. Điều này giúp việc tích hợp dễ dàng khi triển khai vào doanh nghiệp và thực hiện quá trình chứng nhận.
Thứ hai, các tài liệu và hồ sơ theo yêu cầu của cả hai hệ thống quản lý có sự tương đồng, bao gồm chính sách, mục tiêu và các quy trình chung như quy trình kiểm soát thông tin văn bản, đánh giá nội bộ và xem xét của lãnh đạo…
Thứ ba, cách thức thực hiện quá trình xây dựng và triển khai cả hai hệ thống cũng tương tự nhau, bao gồm các bước công việc chính như chuẩn bị, xây dựng tài liệu, triển khai (bao gồm cả đánh giá nội bộ), đánh giá chứng nhận và duy trì cải tiến.
Sự tương đồng này không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí mà còn tạo ra tính nhất quán và tối ưu hóa quy trình quản lý, nguồn lực. Việc tích hợp hai hệ thống này là giải pháp hữu ích đối với các doanh nghiệp muốn nâng cao hiệu quả quản lý và đáp ứng các yêu cầu của cả hai tiêu chuẩn.
Mặc dù có nhiều điểm tương đồng nhưng HTQL chất lượng và HTQL an toàn thông tin đều có những điểm riêng biệt về các yêu cầu hệ thống như:
• ISO/IEC 27001 tập trung vào an toàn thông tin, ISO 9001 tập trung vào quản lý chất lượng.
• ISO/IEC 27001 bổ sung thêm đánh giá rủi ro an toàn thông tin và xử lý rủi ro. Đối với đánh giá rủi ro an toàn thông tin, tổ chức phải xác định các biện pháp kiểm soát rủi ro về an toàn thông tin được liệt kê trong Phụ lục A của tiêu chuẩn. Đây là một quá trình riêng biệt so với quá trình giải quyết rủi ro và cơ hội của ISO 9001.
• ISO/IEC 27001 yêu cầu tổ chức phải ban hành tuyên bố áp dụng SOA. Đây là một điểm khác biệt của tiêu chuẩn về an toàn thông tin.
Có rất nhiều điểm tương đồng giữa hai hệ thống quản lý ISO 9001 và ISO/IEC 27001, trong đó sự tương đồng này có thể mang lại lợi ích cho quá trình tích hợp của chúng. Thực tế, nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc tích hợp hệ thống quản lý chất lượng và quản lý an toàn thông tin mang lại hiệu quả đáng kể cho doanh nghiệp.
Trong ngữ cảnh này, tổ chức không chỉ có thể chứng minh khả năng và cam kết của mình trong việc quản lý rủi ro an toàn thông tin, mà còn xác nhận cam kết của mình trong việc cung cấp sản phẩm và dịch vụ chất lượng theo yêu cầu. Các kết quả nghiên cứu này cung cấp một cơ sở lý luận quan trọng và các dẫn chứng cụ thể để ủng hộ việc tích hợp các hệ thống quản lý này trong môi trường doanh nghiệp.
Kim Anh - VietQ