Đẩy mạnh thực hiện truy xuất nguồn gốc hàng hóa, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các sở, ban, ngành chức năng, các địa phương tăng cường công tác phối hợp tuyên truyền để nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng trên địa bàn.
UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 293 ngày 02/12/2021 về thực hiện Đề án “Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2021 - 2030” với mục tiêu chung hướng tới truy xuất rõ ràng nguồn gốc các loại hàng hóa, thực phẩm, nông sản, từ đó tăng hiệu quả công tác đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm của sản phẩm, hàng hóa, kiểm soát chất lượng thực phẩm từ khâu sản xuất đến tiêu dùng.
Phấn đấu đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh có tối thiểu 20% DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh dịch vụ sử dụng mã số, mã vạch có hệ thống truy xuất nguồn gốc áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế... đến năm 2030, đảm bảo kết nối sản phẩm, hàng hóa chủ lực và đặc sản của tỉnh với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia; từng bước xây dựng hệ thống quản lý và cập nhật cơ sở dữ liệu sản phẩm, hàng hoá trong tỉnh. Qua đó, giúp doanh nghiệp minh bạch hóa thông tin sản phẩm, người tiêu dùng yên tâm lựa chọn sản phẩm đảm bảo chất lượng, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm, nhất là các mặt hàng nông sản, thực phẩm, hướng tới xuất khẩu.
Để hoạt động truy xuất nguồn gốc hàng hóa thực sự đi vào thực tiễn, có tính hiệu quả cao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương, Sở Khoa học và Công nghệ chủ động phối hợp các địa phương tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh áp dụng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm để chuẩn hóa quy trình sản xuất; minh bạch thông tin, ứng dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm thông qua việc mã hóa, dán tem QR Code truy xuất nguồn gốc, thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa và uy tín cho doanh nghiệp.
Đơn cử như trong lĩnh vực trồng trọt, cùng với quá trình chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu giống, cây trồng và mùa vụ theo hướng sản xuất hàng hóa; các vùng sản xuất rau, hoa quả hàng hóa tập trung trên địa bàn tỉnh đã thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, một số sản phẩm đã xây dựng được thương hiệu gắn với mã số vùng trồng, mã vạch sản phẩm để giúp người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
Năm 2023, tỉnh hỗ trợ gần 1,3 tỷ đồng xây dựng, quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản; tổ chức 57 lớp tập huấn về mã số vùng trồng cho các vùng trồng xuất khẩu, nội địa và cơ sở đóng gói; lắp đặt 18 biển hiệu tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu; cấp mới 2 mã số vùng trồng xuất khẩu và 47 mã số vùng trồng nội địa với diện tích gần 215 ha...
Qua đó khuyến khích người dân mở rộng vùng sản xuất tập trung đối với các loại rau, cây ăn quả có lợi thế, tiềm năng xuất khẩu và hiệu quả kinh tế cao, từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà khoa học trong và ngoài tỉnh ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Đến nay, đã có nhiều DN, HTX nông nghiệp trong tỉnh áp dụng hiệu quả quy trình dán tem truy xuất nguồn gốc thông qua việc triển khai các chương trình, mô hình hỗ trợ.
Trước tình trạng hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi và phức tạp, truy xuất nguồn gốc hàng hóa được coi là giải pháp hữu hiệu để bảo vệ thương hiệu cho doanh nghiệp và quyền lợi cho người tiêu dùng.
An Hạ - VietQ