Để nắm bắt và bắt nhịp được xu thế toàn cầu, hơn bao giờ hết cộng đồng doanh nghiệp rất cần đến sự tư vấn, hỗ trợ từ các chuyên gia năng suất có kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng mang tầm khu vực và quốc tế.
Yêu cầu từ thực tiễn
Có thể nói, chuyển đổi số là xu thế không thể đảo ngược, và nếu đứng ngoài, doanh nghiệp sớm muộn cũng sẽ thất bại. Từ những bài học thành công trên thế giới cũng như tại Việt Nam cho thấy, “chìa khóa” cho nhiều doanh nghiệp thành công đến từ: hàng hóa/dịch vụ rẻ hơn, chất lượng đảm bảo hơn, hệ thống chăm sóc khách hàng tốt hơn nhờ chuyển đổi áp dụng các hệ thống, công cụ quản lý tiên tiến, đi cùng với sự nỗ lực cải tiến không ngừng dựa trên đầu tư có hiệu quả về nguồn nhân lực và công nghệ mới.
Tuy nhiên, để bắt nhịp được xu thế toàn cầu, hơn bao giờ hết cộng đồng doanh nghiệp rất cần đến sự tư vấn, hỗ trợ từ các chuyên gia năng suất có kinh nghiệm, kiến thức và kỹ. Việc chứng nhận chuyên gia năng suất một cách bài bản nhằm xây dựng mạng lưới chuyên gia năng suất nòng cốt được chứng nhận mang tầm khu vực và quốc tế ngày càng trở nên cần thiết và cấp bách hơn bao giờ hết.
Chứng nhận chuyên gia năng suất xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững cho doanh nghiệp.
Trước yêu cầu từ thực tiễn, ngày 04/02/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 07-CT/TTg về giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động quốc gia và yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương triển khai các dự án năng suất của Tổ chức Năng suất châu Á (APO), trong đó có dự án về Phát triển năng lực Tổ chức Năng suất quốc gia về xây dựng năng lực đào tạo, đánh giá và chứng nhận chuyên gia năng suất (CBD). Theo đó, APO sẽ hỗ trợ Viện Năng suất Việt Nam (VNPI) xây dựng năng lực đảm bảo tuân thủ các yêu cầu của tổ chức chứng nhận và vận hành theo chương trình chứng nhận của APO.
Ngay sau đó, Viện Năng suất Việt Nam cũng đã thành lập Văn phòng Chứng nhận Chuyên gia năng suất (ViproCB). Văn phòng chứng nhận chuyên gia năng suất (ViproCB) chịu trách nhiệm thực hiện chức năng đầu mối tổ chức các hoạt động chứng nhận chuyên gia năng suất trong và ngoài nước đáp ứng nhu cầu hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng; thực hiện đánh giá, ghi nhận các mô hình thực hành tốt về cải tiến năng suất tại các tổ chức, doanh nghiệp.
Xây dựng mạng lưới chuyên gia nòng cốt
TS. Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, mục tiêu của dự án nhằm nâng cao vị thế và vai trò của Việt Nam trong hoạt động chứng nhận chuyên gia năng suất mang tầm khu vực và quốc tế; Xây dựng và hình thành mạng lưới chuyên gia năng suất trong nước và khu vực được chứng nhận theo Chương trình chứng nhận chuyên gia năng suất của APO; Nâng cao kiến thức, kỹ năng, và kinh nghiệm của các chuyên gia năng suất trong nước, xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp và niềm tin trước các đối tác và các tổ chức, doanh nghiệp về Tổ chức chứng nhận chuyên gia năng suất; Tăng cường hợp tác, trao đổi kiến thức chuyên môn về các giải pháp năng suất giữa Việt Nam và các nước thành viên của APO; Xây dựng thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau giữa các nước thành viên của APO về kết quả chứng nhận chuyên gia năng suất.
Trong đó, điều kiện để trở thành chuyên gia năng suất được chứng nhận theo Chương trình chứng nhận chuyên gia năng suất của APO, trước hết cá nhân phải đáp ứng các điều kiện tiên quyết như: trình độ chuyên môn, tham gia và hoàn thành các khóa đào tạo liên quan đến lĩnh vực năng suất, có kinh nghiệm làm việc và thực hiện các dự án cải tiến năng suất, có kiến thức chuyên môn về năng suất, đồng thời phải có các kỹ năng thực hiện và kỹ năng cá nhân…
Ông Achmad Kurnia Prawira Mochtan, Tổng thư ký APO cho biết, một chuyên gia năng suất có được Chứng nhận APO-VNPI, cũng đồng thời có được rất nhiều lợi thế như: Cải thiện triển vọng nghề nghiệp và kinh doanh; Sử dụng logo chứng nhận ủy quyền trên các tài liệu kinh doanh; Niêm yết trong sổ đăng ký trực tuyến công khai của VNPI; Kết nối với những người được chứng nhận khác trong mạng lưới chuyên gia năng suất; Cơ hội tham gia các nhiệm vụ, hội nghị quốc tế và các sự kiện khác của APO; Được cam kết liên tục cập nhật, phát triển chuyên môn.
Hiện nay, APO đã ban hành tài liệu APO-PS 101:2019 về Yêu cầu chung đối với chuyên gia năng suất, trong đó, nêu cụ thể về tiêu chí đánh giá cho từng cấp độ. Những cá nhân đáp ứng yêu cầu sẽ được Văn phòng Chứng nhận chuyên gia năng suất (ViProCB) thuộc Viện Năng suất Việt Nam (VNPI) tiến hành đánh giá và cấp chứng nhận.
Đặc biệt, TS. Hà Minh Hiệp cũng cho biết, thời gian tới, với mong muốn đưa năng suất chất lượng đến gần hơn với xã hội, VNPI đang chuẩn bị triển khai các kế hoạch phối hợp với một số trường đại học, đưa năng suất trở thành một ngành học cho sinh viên. Trước đó, một số nước phát triển như Singapore đã thực hiện thành công ý tưởng này, mang đến sự phát triển và thịnh vượng cho quốc gia.
Thanh Tùng - VietQ