Công viên cây xanh là một hợp phần quan trọng trong hệ thống không gian xanh đô thị. Nhất là trong thời đại, các đô thị đang phải đối mặt với vấn đề biến đổi khí hậu, các đô thị cần áp dụng các biện pháp toàn diện để kiến tạo không gian xanh nhằm cân bằng sinh thái cho đô thị.
Không gian xanh (KGX) đóng vai trò rất quan trọng cho sự phát triển bền vững đô thị, bao gồm bảo vệ môi trường (giúp điều hòa khí hậu, thích ứng với biến đổi khí hậu, cải thiện chất lượng môi trường không khí, tính đa dạng sinh thái đô thị và hình thành hạ tầng xanh - thoát nước, lưu trữ nước ngầm và cấp nước sinh hoạt cho đô thị); phát triển kinh tế đô thị (cung cấp không gian sống chất lượng cao, làm gia tăng giá trị bất động sản); tạo dựng và phát triển giá trị văn hóa - xã hội (tạo không gian gắn kết cộng đồng, bản sắc đặc trưng cho đô thị).
Theo ông Tạ Quang Vinh - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật: Cây xanh, công viên có thể coi là lá phổi của đô thị, đóng vai trò quan trọng trong đời sống con người và môi trường đô thị, là một bộ phận trong hệ sinh thái tự nhiên, giúp cải thiện môi trường sống, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, kiến tạo cảnh quan và tạo ra các không gian công cộng giúp kết nối cộng đồng. Tại nhiều nước phát triển trên thế giới, số lượng, chất lượng, chỉ tiêu về cây xanh, công viên là thước đo cho sự phát triển, văn minh, chất lượng sống của đô thị, thành phố và quốc gia.
Trong hơn 20 năm qua, quá trình đô thị hóa ở Việt Nam diễn ra với tốc độ nhanh. Tính đến tháng 6/2023, hệ thống đô thị của Việt Nam có 898 đô thị (gồm 02 đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 35 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 95 đô thị loại IV và 697 đô thị loại V), tăng 269 đô thị so với năm 1999; tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 42% (tăng trung bình mỗi năm 1%).
Trong quá trình phát triển, các đô thị ở Việt Nam đã và đang gặp phải những thách thức rất lớn về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; đặc biệt là thiếu các công viên cây xanh để nâng cao chất lượng môi trường sống, điều hòa không khí và tạo không gian cảnh quan. Tỷ lệ cây xanh trên mỗi người dân tại các đô thị của Việt Nam ở mức từ 2 – 3m2/người, trong khi chỉ tiêu xanh tối thiểu của Liên hợp quốc là 10m2/người và chỉ tiêu của các thành phố hiện đại trên thế giới từ 20 – 25m2/người.
Công viên cây xanh là một hợp phần quan trọng trong hệ thống không gian xanh đô thị. Ảnh minh họa
Trước thực trạng đó, việc phát triển cây xanh, công viên đô thị đang được các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương ngày càng quan tâm. Đảng, Nhà nước đã ban hành những chủ trương, định hướng liên quan đến công tác phát triển cây xanh, công viên đô thị, cụ thể là: Tại Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Ban chấp hành Trung ương Đảng đặt ra nhiệm vụ chú trọng cải thiện chất lượng không khí, cây xanh, không gian vui chơi, giải trí trong các đô thị, khu dân cư, nhất là các thành phố lớn.
Tại Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của cây xanh đô thị. Trong đó đặt ra mục tiêu đến năm 2025 diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị đạt khoảng 6-8m2/người; đến năm 2030 đạt khoảng 8-10m2/người.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tham gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên Hợp quốc (SDGs). Theo đó, tại Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng triển khai thực hiện SDG 11.7 về bảo đảm tiếp cận không gian công cộng xanh, an toàn và thân thiện cho toàn dân.
Thực hiện chủ trương, định hướng của Đảng và nhiệm vụ của Chính phủ giao, thời gian qua, Lãnh đạo Bộ Xây dựng đã chỉ đạo đơn vị chuyên môn tổ chức rà soát, đánh giá hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phát triển cây xanh, công viên đô thị để kịp thời hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung, tạo hành lang pháp lý thuận lợi huy động nguồn lực vào phát triển cây xanh, công viên đô thị.
Theo quy định hiện hành, liên quan tới quy hoạch, quản lý cây xanh đô thị được căn cứ vào một số cơ sở pháp lý của các quy định, quy chuẩn sau: Quyết định số 04/2008/QĐ-BXD ngày 03/4/2008 của Bộ Xây dựng ban hành về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia quy trong hoạch xây dựng được quy định: Đất cây xanh sử dụng công cộng cấp ngoài đơn vị ở trong các đô thị bao gồm: công viên, vườn hoa phục vụ một hay nhiều đơn vị ở, toàn đô thị hoặc cấp vùng (bao gồm cả các công viên chuyên đề); diện tích mặt nước nằm trong khuôn viên các công viên, vườn hoa, trong đó chỉ tiêu mặt nước khi quy đổi ra chỉ tiêu đất cây xanh/người không chiếm quá 50% so với tổng chỉ tiêu diện tích đất cây xanh sử dụng công cộng ngoài đơn vị ở; không bao gồm các loại cây xanh chuyên dụng.
Đất cây xanh sử dụng công cộng trong đơn vị ở bao gồm sân chơi, vườn hoa, sân bãi TDTT phục vụ hàng ngày, phục vụ chung cho toàn đơn vị ở với quy mô tối thiểu là 5.000m2.
Đối với đô thị miền núi, hải đảo chỉ tiêu diện tích đất cây xanh công cộng có thể thấp hơn nhưng không được thấp hơn 70% mức quy định trong bảng.
Bảng quy định: Diện tích đất cây xanh sử dụng công cộng ngoài đơn vị ở trong các đô thị
Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 9257:2012 về Quy hoạch cây xanh đô thị:
Cây xanh sử dụng công cộng đô thị: các loại cây xanh được trồng trên đường phố; cây xanh trong công viên, vườn hoa; cây xanh và thảm cỏ tại quảng trường và các khu vực công cộng khác trong đô thị. Trong đó: Cây xanh công viên: khu cây xanh được trồng tập trung trong một diện tích đất lớn phục vụ cho mục tiêu sinh hoạt ngoài trời cho người dân đô thị vui chơi giải trí, triển khai các hoạt động văn hóa quần chúng, tiếp xúc với thiên nhiên, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần…
Cây xanh vườn hoa: chủ yếu để người đi bộ đến dạo chơi và nghỉ ngơi trong một thời gian ngắn., có diện tích vườn hoa không lớn. Nội dung chủ yếu gồm hoa, lá, cỏ, cây và các công trình xây dựng tương đối đơn giản. Đất cây xanh sử dụng công cộng (đơn vị tính là m2/người).
Khánh Mai - VietQ