Áp dụng tiêu chuẩn quốc tế không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực, vị thế trên thương trường mà còn nâng cao năng suất cho chính mình.
Với tên gọi là Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn, Tiêu chuẩn HACCP là các nguyên tắc yêu cầu trong thiết lập hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, được áp dụng cho các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm, mỹ phẩm và các lĩnh vực liên quan.
HACCP (Hazard Analysis and Critical Control Points) là hệ thống quản lý mang tính phòng ngừa nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm thông qua nhận biết mối nguy, thực hiện biện pháp phòng ngừa và kiểm soát tại các điểm tới hạn. Các nguyên lý của HACCP được thống nhất trên toàn thế giới và có thể áp dụng trong tất cả các ngành sản xuất thực phẩm và đồ uống, trong việc phân phối và bán sản phẩm. Hệ thống này có thể áp dụng cho các sản phẩm đang tiêu thụ trên thị trường cũng như sản phẩm mới. Việc áp dụng tiêu chuẩn HACCP ở Việt Nam bắt đầu từ những năm 1990 đối với ngành chế biến thủy sản do yêu cầu của các thị trường nhập khẩu thủy sản của Việt Nam.
Hiện nay, HACCP đã được áp dụng cho nhiều loại hình sản xuất, chế biến thực phẩm. Các doanh nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm ở Việt Nam thường xây dựng hệ thống HACCP và được chứng nhận theo một trong các tiêu chuẩn như TCVN 5603:2008, HACCP Code 2003 (của Australia)…
HACCP giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất sản phẩm đầu ra.
Tại Công ty TNHH MTV Hue One Food - đơn vị áp dụng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn HACCP để sản xuất bánh ép Huế, đại diện Công ty cho biết, áp dụng HACCP giúp cải tiến năng lực sản xuất, mọi công đoạn đều đảm bảo kiểm soát chặt chẽ từ công nhân đến máy móc, dụng cụ.
Khi chưa áp dụng tiêu chuẩn HACCP, Công ty sản xuất từ 10 đến 15 thùng bánh/ngày, nhưng sau khi áp dụng tiêu chuẩn HACCP và sử dụng hệ thống máy móc hiện đại năng suất tăng lên 30 đến 40 thùng/ngày.
Trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm, tiêu chuẩn ISO 22000 là được DN chú trọng áp dụng. Là tiêu chuẩn được công nhận trên toàn cầu, doanh nghiệp đạt chứng chỉ ISO 22000 sẽ dễ dàng mở rộng thị phần và được công nhận trên toàn thế giới, sản phẩm có cơ hội cạnh tranh cao hơn so với đối thủ.
Mang đến sự uy tín và minh bạch, DN trong chuỗi cung cấp thực phẩm áp dụng và đạt được chứng chỉ ISO 22000, đồng nghĩa với việc đơn vị đó sở hữu hệ thống quản lý tốt về an toàn thực phẩm và đảm bảo cung cấp các sản phẩm chất lượng, uy tín nhất cho người dùng.
Một doanh nghiệp khác hoạt động trong lĩnh vực chế biến, phân phối và kinh doanh sản phẩm sầu riêng đông lạnh, cũng áp dụng thành công tiêu chuẩn HACCP một cách kịp thời, nhanh chóng, nhờ nắm bắt rõ yêu cầu thị trường. Công ty TNHH Thương mại Mười Điển đã trở thành một trong những nhà phân phối sầu riêng đông lạnh hàng đầu tại các siêu thị, cửa hàng lớn trong nước.
Với khát vọng nâng tầm nông sản Việt, Mười Điển luôn phấn đấu trở thành công ty hàng đầu về xuất nhập khẩu nông sản, đặc biệt là sản phẩm sầu riêng đông lạnh, giúp người tiêu dùng trong và ngoài nước tiếp cận nguồn sản phẩm đa dạng với giá cạnh tranh. Với việc xây dựng tốt hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000:2018 tích hợp cùng tiêu chuẩn HACCP, công ty đã kiểm soát sản xuất ổn định, đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, còn tạo hệ thống xuyên suốt từ trên xuống dưới chuyên nghiệp, từ đó công tác điều hành hiệu quả hơn, chất lượng sản phẩm tốt hơn. Điều quan trọng nhất, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng khi dùng sản phẩm của công ty.
HACCP được Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Quốc tế CODEX khuyến cáo nên áp dụng và giới thiệu trong tiêu chuẩn CODEX với số hiệu CAC/RCP 1-1969, Rev.4-2003. Hiện nay, tiêu chuẩn HACCP được nhiều quốc gia trên thế giới quy định bắt buộc phải áp dụng nếu có quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm. |
Bảo Linh - VietQ