Hiện nay, Hà Nội là đơn vị dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP. Do đó, cần xác định và tăng cường giám sát chất lượng an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm này.
Hà Nội tăng cường giám sát an toàn thực phẩm đối với sản phẩm OCOP
Từ năm 2019 đến nay Hà Nội đã có 1.649 sản phẩm OCOP, được coi là đơn vị dẫn đầu cả nước về số lượng. Vì vậy, việc đẩy mạnh giám sát chất lượng an toàn thực phẩm đối với sản phẩm OCOP đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc duy trì và nâng cao chất lượng, thương hiệu OCOP của Thủ đô.
Được biết, lũy kế từ năm 2019 đến nay, Hà Nội có 1.649 sản phẩm OCOP, gồm: 4 sản phẩm 5 sao; 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao đã được Trung ương đánh giá; 11 sản phẩm tiềm năng 5 sao của năm 2020 đã trình Bộ NN&PTNT xem xét đánh giá, phân hạng; 1.098 sản phẩm 4 sao và 534 sản phẩm 3 sao. Trong đó, ngành thực phẩm có 1.071 sản phẩm, ngành đồ uống 35 sản phẩm, ngành thảo dược 17 sản phẩm, ngành thủ công mỹ nghệ 492 sản phẩm, ngành vải và may mặc 34 sản phẩm. Hà Nội được coi là đơn vị có số lượng sản phẩm OCOP lớn nhất cả nước.
Hà Nội giám sát an toàn thực phẩm đối với sản phẩm OCOP.
Cùng với việc đánh giá, giám sát phân hạng sản phẩm OCOP, Hà Nội cũng xây dựng được 68 cửa hàng trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các quận, huyện. Bên cạnh việc xây dựng chuỗi cửa hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP tại các quận, huyện và hỗ trợ tiêu thụ tại siêu thị và cửa hàng tiện ích thì các sản phẩm nông sản, thực phẩm của Hà Nội cũng ngày càng được người tiêu dùng đón nhận, tin tưởng lựa chọn để tiêu thụ trong mỗi bữa ăn gia đình.
Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ xây dựng kế hoạch, tiếp tục chủ trì, phối hợp các quận, huyện, thị xã phát triển thêm các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn. Đồng thời, tiếp tục phối hợp các tỉnh, thành phố trong cả nước đưa các sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành phố giới thiệu đến người tiêu dùng Thủ đô.
Sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP và chứng nhận ATTP
Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.
Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu: Đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng.
Sau khi tham gia OCOP, các sản phẩm truyền thống đã được nhiều người biết đến và đón nhận. Tuy nhiên, để có mặt tại các siêu thị lớn hay trở thành hàng xuất khẩu còn vướng phải nhiều khó khăn. Đặc biệt là thủ tục, hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận ATTP. Sản phẩm OCOP không ít nhưng trong đó lượng sản phẩm được cấp giấy ATTP lại rất hạn chế. Chứng nhận này có thể là chứng nhận VietGap, ISO 22000:2018 hay chứng nhận nông nghiệp hữu cơ ASEAN.
Chứng nhận Vietgap: Là chứng nhận thực hành nông nghiệp hàng đầu tại nước ta. Những mô hình trồng trọt được cấp giấy chứng nhận này cần đảm bảo tiêu chí “sạch” lên hàng đầu. Hay nói cách khác, đầu ra của mô hình VietGap là những sản phẩm an toàn. Tiêu chuẩn VietGap đưa ra nhiều nguyên tắc, quy định trong quá trình sản xuất ra sản phẩm. Cần thực hiện các quy chuẩn quan trọng để có được sản phẩm an toàn cho sức khỏe của người. Cụ thể là khâu sản xuất, sơ chế.
Chứng nhận VietGap dành cho các hợp tác xã, nông trường trồng trọt. Các loại sản phẩm thường làm giấy chứng nhận VietGap là lúa, rau quả, chè,...
Chứng nhận ISO 22000:2018/ HACCP CODE 2003: Tiêu chuẩn ISO 22000:2018 là hệ thống quản lý ATTP. Trong khi đó, HACCP CODE 2003 được hiểu là hệ thống phân tích mối nguy cũng như điểm kiểm soát tới hạn. Nếu VietGap áp dụng cho mô hình trồng trọt thì 2 tiêu chuẩn này áp dụng cho quá trình sản xuất, chế biến. Các đơn vị chế biến đồ hộp, sản xuất chè khô, đồ uống thường làm giấy chứng nhận về tiêu chí này.
Chứng nhận Nông nghiệp hữu cơ ASEAN: Đây cũng là loại giấy chứng nhận áp dụng cho quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến. Các sản phẩm thông qua quá trình này đảm bảo tiêu chí sạch, an toàn cho sức khỏe người dùng. Không chỉ vậy, quá trình sản xuất này còn vì cuộc sống xanh, cải thiện môi trường sinh thái. Rất ít đơn vị được cấp giấy chứng nhận này bởi các tiêu chuẩn vô cùng nghiêm ngặt. Tuy nhiên, nếu sản phẩm được cấp giấy Chứng nhận Nông nghiệp hữu cơ Asean thì cơ hội tiến ra thị trường quốc tế sẽ cao hơn rất nhiều.
Tại sao sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP được chú trọng?
So với các sản phẩm thuộc lĩnh vực chứng nhận khác thì sản phẩm thuộc chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” được chú trọng hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng chuộng những sản phẩm được cấp giấy chứng nhận VietGap hay ISO 22000:2018. Có thể kể tới những lý do khiến sản phẩm đạt tiêu chuẩn này được chú trọng như sau:
Sản phẩm OCOP được đánh giá thận trọng, chuyên nghiệp về nhiều mặt. Hội đồng đánh giá gồm những cán bộ chuyên môn trong các lĩnh vực liên quan như y tế, môi trường,... Không chỉ vậy, việc đánh giá còn trải qua nhiều cấp khác nhau, từ cấp huyện tới tỉnh, sau đó lên Trung ương. Những sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 4 sao đều có giấy chứng nhận quan trọng như VietGap, ISO,...
Những ngôi sao đánh giá của một sản phẩm có được trải qua nhiều cơ quan thẩm định với các bộ phận chuyên môn. Cùng với đó là đánh giá của người đại diện tỉnh. Sản phẩm OCOP được đầu tư, chú trọng về nhiều mặt. Không chỉ chất lượng mà bao bì, hình thức sản phẩm cũng đặc biệt được quan tâm. Sau khi đạt được số sao, sản phẩm nằm dưới sự quản lý của cơ quan OCOP cấp tỉnh. Những sản phẩm từ 4 sao sẽ do cơ quan Trung ương quản lý, kiểm nghiệm cũng như duy trì chất lượng. Một sản phẩm OCOP được tin dùng bởi số sao nhận được thể hiện được sự đầu tư, chú trọng trong các khâu. Từ nguyên liệu đầu vào, chế biến, bảo quản cho tới đầu ra.
An Dương - VietQ