Bộ Xây dựng đã xây dựng, ban hành hoặc trình ban hành, ủy quyền cho các đơn vị liên quan ban hành được 17 tiêu chuẩn quốc gia, 2 tiêu chuẩn cơ sở; 7 chỉ dẫn, hướng dẫn kỹ thuật; 4 định mức kinh tế kỹ thuật về tro xỉ, thạch cao…
Thực hiện chiến lược KHCN giai đoạn 2011 - 2020, trong các năm 2016, 2017, 2018 Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 4 đề án và 2 chương trình KHCN quan trọng gồm: Đề án hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật xây dựng; Đề án hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng; Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình; Chương trình nghiên cứu xây dựng thực nghiệm công trình trên biển đảo; Chương trình nghiên cứu phát triển VLXD sử dụng tro, xỉ, thạch cao đã qua xử lý từ các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón và các cơ sở công nghiệp phát thải khác.

Hiện đã có 19 Tiêu chuẩn, 1 Quy chuẩn, 7 Chỉ dẫn kỹ thuật và 3 Định mức kinh tế kỹ thuật cho việc xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao.
Ông Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ KHCN&MT cho biết, để hoàn thiện Đề án hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, Bộ Xây dựng đã tiến hành khảo sát trong và ngoài nước để tổng kết các vướng mắc, bất cập của hệ thống quy chuẩn Việt Nam (QCVN), tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) trong các hoạt động xây dựng tại Việt Nam. Đồng thời, đề xuất định hướng dự thảo danh mục QCVN và bộ TCVN cốt lõi về xây dựng.
Đối với công tác đo lường, quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa VLXD, Vụ KH&CNMT tiếp tục phối hợp với Sở Xây dựng các địa phương tổ chức kiểm tra tình hình hoạt động của các phòng thí nghiệm xây dựng trên địa bàn cả nước. Số lượng phòng LAS-XD đăng ký cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện thí nghiệm chuyên ngành xây dựng theo Nghị định số 62/2016/NĐ-CP lên tới 1.200 phòng thí nghiệm.
“Đến nay, Bộ Xây dựng đã xây dựng, ban hành hoặc trình ban hành, ủy quyền cho các đơn vị liên quan ban hành được 17 tiêu chuẩn quốc gia, 2 tiêu chuẩn cơ sở; 7 chỉ dẫn, hướng dẫn kỹ thuật; 4 định mức kinh tế kỹ thuật về tro xỉ, thạch cao các nhà máy nhiệt điện, phân bón, đáp ứng yêu cầu để tái sử dụng làm VLXD, làm đường giao thông, san lấp mặt bằng”, Vụ trưởng Vụ KHCN&MT - Bộ Xây dựng cho biết.
Được biết, Vụ KHCN&MT cũng triển khai nghiêm túc, chặt chẽ công tác quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, quản lý hệ thống đánh giá hợp quy, đánh giá chất lượng sản phẩm hàng hóa VLXD nhập khẩu, sản xuất và lưu thông trên thị trường nhằm bảo vệ sản xuất hàng hóa trong nước, ngăn ngừa hàng kém chất lượng đưa vào các công trình xây dựng. Theo đó, việc thực hiện quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa VLXD bằng Quy chuẩn QCVN 16:2017/BXD đối với 6 nhóm hàng hóa (tổng số là 31 sản phẩm, hàng hóa) và quản lý sản phẩm, hàng hóa VLXD được sản xuất trong nước và được nhập khẩu theo quy định rõ ràng, công khai minh bạch.
Không chỉ vậy, nhằm triển khai Đề án nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành sản VLXD, Vụ tiến hành một số hoạt động khảo sát, đánh giá chi tiết hiện trạng, đề xuất ứng dụng các giải pháp nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm tại cơ sở sản xuất vật liệu ốp lát; xây dựng và tăng cường hệ thống tổ chức quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa của ngành sản xuất VLXD; nghiên cứu xây dựng cổng thông tin điện tử về năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành sản xuất VLXD; tập huấn, phổ biến tiêu chuẩn, quy chuẩn trong sản xuất VLXD (xi măng, kính xây dựng, sứ vệ sinh, gạch ốp lát)…
“Để tiếp tục hoàn thiện Chiến lược phát triển KHCN ngành Xây dựng giai đoạn 2021 – 2030, trong thời gian tới Bộ Xây dựng tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống QCVN lĩnh vực xây dựng, tiếp tục xây dựng, nghiên cứu soát xét, bổ sung, chỉnh sửa và ban hành các quy chuẩn theo kế hoạch”, ông Vũ Ngọc Anh cho hay.
VietQ