Mới đây, Bộ Xây dựng có báo cáo về việc Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 220/CĐ-TTg ngày 5/4/2023 về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy chữa cháy.
Triển khai quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình (QCVN 06)
Việc xây dựng, ban hành và triển khai quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình (QCVN 06) nhằm đảm bảo an toàn cho người có thể từ trong nhà thoát nạn ra ngoài trước khi xuất hiện nguy cơ đe doạ tính mạng và sức khoẻ. Đồng thời lực lượng và phương tiện chữa cháy có thể tiếp cận đám cháy và thực hiện các biện pháp chữa cháy, cứu người và tài sản. Theo đó, nhóm nhà xưởng công nghiệp cho phép tăng diện tích khoang cháy từ 02 lần đến không hạn chế. Khi áp dụng QCVN 06 thì các nhà xưởng phổ biến ở Việt Nam hầu như không cần bảo vệ chịu lửa đối với kết cấu thép, với diện tích khoang cháy cho phép đến 25.000m2.
Với nhóm nhà dân dụng, quy mô trung bình trở lên (cao trên 15m, diện tích sàn trên 300m2) tăng diện tích khoang cháy gấp 2,3 lần (lên đến 10.000 – 12.000m2 một sàn với chữa cháy tự động), cho phép không phải ngăn chia các tầng. Áp dụng QCVN 06 ngăn ngừa cháy lan theo mặt ngoài nhà, mở về giao thông chữa cháy… Với nhóm nhà dân dụng quy mô nhỏ, cho phép một lối thoát nạn, một cầu thang thoát nạn, cho phép sử dụng cầu thang hở để thoát nạn (villa, biệt thự), cầu thang hở với hành lang bên… kết hợp giải pháp cảnh báo sớm và chữa cháy tự động.
Tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy nói chung và QCVN 06 nói riêng
Bộ Xây dựng đã yêu cầu cơ quan chuyên môn nghiên cứu, tổng hợp; lấy ý kiến các địa phương; làm việc với Bộ Công an; tổ chức đối thoại với các cơ quan, tổ chức, cá nhân, truyền thông để làm rõ các khó khăn, vướng mắc về phòng cháy chữa cháy (PCCC) trong đầu tư xây dựng nhà và công trình, phân tích nguyên nhân và đề xuất các giải pháp, định hướng xử lý. Có thể tổng hợp một số khó khǎn, vướng mắc chủ yếu về PCCC của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thời gian qua như sau:
Thứ nhất, các công trình hiện hữu có vi phạm về PCCC được thi công xây dựng và khai thác sử dụng trong nhiều giai đoạn, thời điểm khác nhau (trước khi QCVN 06:2022/BXD có hiệu lực), mà không được xử lý kịp thời hoặc thông báo cụ thể với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để được hướng dẫn, xử lý.
Mặc dù vậy, theo các công văn của một số địa phương, thì vẫn có việc áp dụng các quy định mới cho các công trình hiện hữu. Đây là cách hiểu không chính xác với nguyên tắc chuyển tiếp của quy chuẩn và nguyên tắc không hồi tố của vǎn bản pháp luật, dẫn đến một bộ phận người dân và Chủ đầu tư công trình hiểu sai rằng quy chuẩn mới gây khó khăn, bắt buộc phải cải tạo sửa chữa theo quy chuẩn mới, trong khi công trình đang vi phạm chính các quy định PCCC tại thời điểm được thẩm duyệt hoặc xem xét nghiệm thu.
Việc xây dựng, ban hành và triển khai quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình (QCVN 06) nhằm đảm bảo an toàn cho người có thể từ trong nhà thoát nạn ra ngoài trước khi xuất hiện nguy cơ đe doạ tính mạng và sức khoẻ. Ảnh minh họa
Thứ hai, số lượng cơ sở vi phạm thuộc diện không thẩm duyệt về PCCC chiếm tỷ trọng lớn nhất (66,2%). Thông thường, khi công trình không phải thẩm duyệt về PCCC thì các quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC cũng ít được quan tâm, dẫn đến những vi phạm, tồn tại về PCCC khó khắc phục. Đây là kinh nghiệm thực tiễn rất có giá trị. Bộ Xây dựng cho rằng, vấn đề này cần được lưu ý và có giải pháp tuyên truyền, hướng dẫn cho các doanh nghiệp, chủ đầu tư, người dân hiễu, có ý thức tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn PCCC tương ứng ngay từ khâu thiết kế, tránh để tình trạng công trình xây xong rồi khó khắc phục, sửa chữa. Nếu không, sau 05-10 năm tới, các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ lại phải bàn phương án tháo gỡ cho các công trình vi phạm.
Thứ ba, các vi phạm nguyên tắc an toàn cháy cơ bản (thoát nạn cho người, ngǎn chặn cháy lan) chiếm tỷ trọng lớn nhất (63,1%). Mặt khác, theo số liệu do Bộ Công an cung cấp, kể từ 2001 đến nay thống kê rà soát được 8.114 công trình đã đưa vào sử dụng nhưng còn tồn tại về PCCC chưa được nghiệm thu. Điều này cho thấy, ý thức tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn và trang bị kiến thức an toàn cháy cơ bản của chủ đầu tư và các đơn vị tư vấn còn hạn chế. Đối với các công trình xây mới hoặc cải tạo sửa chữa mới gặp khó khăn trong vấn đề chuyển tiếp đối với các công trình đang trong giai đoạn thiết kế, góp ý hoặc thẩm duyệt về PCCC, nghiệm thu về PCCC.
Mặc dù Nghị định 136/2020/NÐ-CP và các quy chuẩn có quy định về các điều khoản chuyển tiếp và thời hạn có hiệu lực rất rõ ràng, trên nguyên tắc công trình đã được góp ý hoặc thẩm duyệt theo quy định tại thời điểm nào thì tiếp tục thực hiện theo quy định tại thời điểm đó, nhưng thực tế vẫn có những trường hợp sử dụng quy chuẩn mới cho các công trình đã được thiết kế và góp ý hoặc thẩm duyệt truớc đó. Ðối với các tiêu chuẩn về PCCC (bắt buộc áp dụng) thì không có điều khoản chuyển tiếp và có hiệu lực ngay khi Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành (theo Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật số 68/QH11/2006 và các nghị định, thông tư hướng dẫn có liên quan). Quy định này cũng tạo ra những vướng mắc, khó khǎn nhất định trong việc chuyến tiếp của các công trình, dự án. Về lâu dài, cần điều chỉnh các quy định pháp luật theo hướng không bắt buộc áp dụng các tiêu chuẩn về PCCC theo Luật PCCC 2001 và Luật PCCC sửa đổi 2013 và cho phép các tiêu chuẩn cũng có điều khoản chuyển tiếp, có thời hạn có hiệu lực. Các vấn đề chuyển tiếp này đã được hướng dẫn rõ trong Công vǎn số 1091/C07-P3,P4,P7 của Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ và Công vǎn số 1397/BXD-KHCN ngày 11/4/2023 của Bộ Xây dựng.
Cần giải pháp đồng bộ sửa đổi cơ chế chính sách thực hiện pháp luật về PCCC
Qua tổng hợp các khó khăn, vướng mắc về PCCC trong đầu tư xây dựng công trình, hoạt động sản xuất kinh doanh của tổ chức, cá nhân, rà soát các quy chuẩn, tiêu chuẩn có liên quan, để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, đồng thời đảm bảo an toàn cháy cho con người, nhà và công trình, Bộ Xây dựng có những đề xuất kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC như:
Cần có hệ thống các giải pháp đồng bộ: sửa đổi về cơ chế chính sách, quy định pháp luật, tập trung một đầu mối để thực hiện pháp luật về PCCC. Rà soát phân loại các công trình có tồn tại về PCCC theo thời điểm thẩm duyệt, nghiệm thu. Xây dựng nhóm giải pháp tăng cường, bổ sung về PCCC cho các công trình hiện hữu trên nguyên tắc có đánh giá kỹ lưỡng về tính khả thi, nguồn lực thực hiện và tác động xã hội đối với nhóm giải pháp tăng cường. Tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết của Chính phủ để giải quyết các vấn đề trước mắt và cơ chế chính sách phù hợp. Nghiên cứu sửa đổi Luật Phòng cháy, chữa cháy và các quy định pháp luật liên quan theo hướng dẫn chuyển đổi dần từ việc bắt buộc áp dụng các quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn PCCC sang khuyến khích công tác tư vấn chuyên sâu cho lĩnh vực an toàn cháy. Nghiên cứu đề xuất sửa đổi Nghị định 136 theo hướng tăng cường vai trò, trách nhiệm, thẩm quyền của Chủ đầu tư và các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công. Cơ quan Cảnh sát PCCC thực hiện thẩm duyệt và nghiệm thu trên cơ sở các hồ sơ báo cáo của đơn vị liên quan.
Khánh Mai - VietQ