SA8000 là tiêu chuẩn so sánh và đánh giá trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được phát triển bởi CEPAA (Council on Economic Priorities Accreditation Agency) hiện nay được gọi là Tổ chức Trách nhiệm Xã hội Quốc tế (SAI - Social Accountability International) và một số tổ chức khác, được hình thành năm 1997.
Tiêu chuẩn SA 8000 dựa trên Công ước Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền, Các công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO); Những quy chuẩn nhân quyền quốc tế và luật lao động của nước sở tại. Việc áp dụng SA8000 vào hệ thống quản lý giúp thúc đẩy việc đảm bảo quyền cơ bản của người lao động trong doanh nghiệp.
Áp dụng tiêu chuẩn SA 8000, doanh nghiệp cần đảm bảo một số yêu cầu. Thứ nhất là nghiêm cấm sử dụng lao động trẻ em. Không tuyển dụng trực tiếp hoặc gián tiếp người lao động dưới 15 tuổi. Doanh nghiệp phải xác minh độ tuổi lao động trong quá trình tuyển dụng.
Thứ hai, doanh nghiệp không được sử dụng bất cứ hình thức ép buộc nào đối với người lao động. Cụ thể, doanh nghiệp không được sử dụng lao động không tự nguyện, lao động cưỡng bức, lao động ép buộc, lệ thuộc hoặc lao động bị buôn bán từ nạn buôn người. Không được giữ giấy tờ tùy thân gốc hoặc ép người lao động trả “chi phí tuyển dụng” để được làm việc.
Tiêu chuẩn SA 8000 đảm bảo quyền lợi cho người lao động trong doanh nghiệp. (Ảnh minh họa)
Thứ ba là sức khỏe và an toàn, doanh nghiệp cần tổ chức khám sức khỏe cho người lao động. Đào tạo huấn luyện sức khỏe và an toàn cho người lao động. Cung cấp trang thiết bị bảo hộ, thiết bị vệ sinh, nước uống, thực phẩm… cho người lao động. Giảm thiểu hoặc loại bỏ các mối nguy hiểm trong môi trường làm việc, đảm bảo người lao động được yên tâm, thoải mái, an toàn trong khi làm việc.
Thứ tư là tự do hội đoàn và quyền thương lượng tập thể: Mỗi nhân sự trong công ty đều có quyền gia nhập vào tổ chức công đoàn do họ lựa chọn và có quyền thương lượng tập thể với chủ doanh nghiệp, lãnh đạo cấp trên.
Thứ năm là không phân biệt đối xử. Doanh nghiệp cần đảm bảo không có sự phân biệt đối xử, khai trừ hay ưu tiên đặc biệt nào trong việc tuyển dụng, thù lao, đào tạo, thăng chức, chấm dứt hợp đồng hoặc nghỉ hưu dựa trên giới tính, tuổi tác, tôn giáo, chủng tộc, đẳng cấp, nền tảng xã hội, khuyết tật, nguồn gốc dân tộc và quốc gia, quốc tịch,... hoặc bất kỳ điều kiện nào khác có thể dẫn đến phân biệt đối xử.
Thứ sáu là kỷ luật lao động, gồm các vấn đề liên quan đến các hình thức kỷ luật được phép và không được phép (đánh đập, roi vọt, sỉ nhục, đuổi việc, hạ bậc lương, quấy rối tình dục,…)
Thứ bảy là thời gian làm việc, không bắt buộc người lao động làm việc nhiều hơn 48 giờ/tuần. Những trường hợp ngoại lệ do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) quy định được phép vượt quá số giờ làm nhưng phải có sự đồng ý từ phía người lao động và họ phải được trả công xứng đáng, được trả với mức phí cao hơn 125% so với tỷ lệ thông thường.
Đồng thời, giờ công làm thêm cũng cần đảm bảo không ảnh hưởng tới sức khỏe người lao động. Có giờ nghỉ giải lao cho một ngày làm việc. Người lao động có quyền được nghỉ ít nhất 1 ngày trong 7 ngày làm việc, trừ trường hợp ngoại lệ do thương lượng tập thể quy định.
Thứ tám là lương và các phúc lợi xã hội, doanh nghiệp cần tuân thủ quy định về lương và các phúc lợi xã hội khác (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế,…)
Thứ chín là hệ thống quản lý, trong đó, doanh nghiệp cần có thông báo, triển khai thực hiện nội dung trên toàn cơ sở. Xây dựng cơ chế đánh giá, kiểm soát, theo dõi quá trình thực hiện. Tiếp thu ý kiến, xử lý khiếu nại và có biện pháp khắc phục các vấn đề còn tồn đọng.
Mai Phương - VietQ