Bộ TN&MT đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt và hướng dẫn các tỉnh, thành phố lập kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt.
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt (QCVN 08:2023/BTNMT) được ban hành để quản lý, đánh giá, phân loại chất lượng môi trường nước mặt, làm căn cứ cho việc bảo vệ, sử dụng nguồn nước hiệu quả. Theo QCVN 08:2023/BTNM, nước mặt là nước tồn tại trên bề mặt lục địa hoặc hải đảo, bao gồm: sông, suối, kênh, mương, khe, rạch, hồ, ao, đầm. Quy chuẩn bao gồm các thông số ô nhiễm gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người và các thông số bảo vệ môi trường sống dưới nước để phân loại chất lượng nước mặt.
Từ các thông số ảnh hưởng tới sức khỏe con người, quy chuẩn đã quy định với 40 thông số. So với QCVN 08-MT/2015 cũ, quy chuẩn mới bổ sung thêm 12 hợp chất hữu cơ là các dung môi sử dụng phổ biến trong công nghiệp. Dữ liệu quan trắc để đánh giá chất lượng là giá trị trung bình hàng năm với tần suất quan trắc tối thiểu là 6 lần/năm. Chất lượng nước tại 1 điểm đo được đánh giá là không đáp ứng mục tiêu bảo vệ sức khỏe con người nếu giá trị trung bình số học hàng năm của ít nhất 1 thông số vượt quá ngưỡng quy định.
Các thông số cơ bản để đánh giá chất lượng nước gồm 10 thông số. Giá trị giới hạn các thông số là giá trị trung bình hàng năm với tần suất quan trắc tối thiểu là 10 lần/năm. Chất lượng nước được phân thành 4 mức A, B, C, D. Việc phân loại chất lượng nước theo 4 mức nhằm đưa ra mục tiêu cải thiện chất lượng nước cho nhóm các thông số ảnh hưởng tới đời sống thủy sinh, bảo đảm cho mục đích đánh giá nồng độ các độc tố ảnh hưởng tới sức khỏe con người và hệ sinh thái
Cụ thể, mức A có chất lượng nước tốt và có thể được sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt, bơi lội, vui chơi dưới nước sau khi áp dụng các biện pháp xử lý phù hợp. Chất lượng nước trung bình thuộc mức B, nước có thể sử dụng cho mục đích sản xuất công nghiệp, nông nghiệp sau khi áp dụng các biện pháp xử lý phù hợp.
Ảnh minh hoạ
Mức C có chất lượng nước xấu, có thể được sử dụng cho các mục đích sản xuất công nghiệp sau khi áp dụng các biện pháp xử lý phù hợp. Ở mức D, nước có chất lượng rất xấu, có thể gây ảnh hưởng lớn tới cá và các sinh vật sống trong môi trường nước. Nước có thể được sử dụng cho các mục đích giao thông thủy và các mục đích khác với yêu cầu nước chất lượng thấp.
Về phương pháp xác định, có thể áp dụng quan trắc thủ công theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc quy định trong Thông tư số 10/2023/TT-BTNMT. Đồng thời, có thể sử dụng kết quả quan trắc từ thiết bị quan trắc tự động, liên tục chất lượng nước mặt đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật theo quy định.
Bên cạnh đó, để hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương triển khai có hiệu quả các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường nước mặt, Bộ TN&MT cũng ban hành Công văn số 1068/BTNMT-KSONMT hướng dẫn kỹ thuật về lập kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt. Đây là một văn bản hướng dẫn kỹ thuật quan trọng, cụ thể hóa các quy định tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP và Thông tư 02/2022/TT-BTNMT, có kế thừa và hoàn thiện các hướng dẫn đã được triển khai thực hiện giai đoạn trước, cập nhật, bổ sung các quy định mới, đặc biệt là có liên quan chặt chẽ với quy định của QCVN 08:2023/BTNMT.
Theo đó, quy trình lập kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt gồm 8 bước: Đánh giá diễn biến chất lượng nước, xác định các mục tiêu chất lượng nước; điều tra, đánh giá nguồn thải vào môi trường nước; đánh giá khả năng chịu tải của môi trường nước mặt, xác định hạn ngạch xả nước thải vào từng đoạn sông; phân vùng xả thải, xác định mục tiêu mục tiêu và lộ trình giảm xả thải vào môi trường nước mặt; đề xuất các biện pháp khác nhằm phòng ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước mặt, giải pháp hợp tác, chia sẻ thông tin và quản lý ô nhiễm nước mặt xuyên biên giới; đề xuất cơ cấu, tổ chức thực hiện; tổng hợp, xây dựng dự thảo kế hoạch; tham vấn và hoàn thiện dự thảo kế hoạch.
Việc đánh giá diễn biến chất lượng nước, xác định các mục tiêu chất lượng nước nhằm đánh giá, dự báo được xu hướng thay đổi chất lượng môi trường nước mặt; xác định vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, hành lang bảo vệ nguồn nước mặt; xác định khu vực sinh thủy; xác định được mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch.
Mục tiêu của việc điều tra, đánh giá nguồn thải nhằm xác định thực trạng phân bố và tải lượng của các nguồn ô nhiễm điểm và nguồn ô nhiễm diện phát sinh chất ô nhiễm môi trường nước trong vùng tác động; nguy cơ ô nhiễm nước mặt xuyên biên giới. Phương pháp điều tra, đánh giá nguồn thải được thực hiện riêng biệt cho từng đoạn sông, hồ để tổng hợp đánh giá các nguồn ô nhiễm ảnh hưởng đến chất lượng nước của lưu vực hoặc tiểu lưu vực.
Đánh giá khả năng chịu tải, xác định hạn ngạch xả nước thải vào từng đoạn sông trên cơ sở rà soát các đoạn sông, hồ đã được đánh giá khả năng chịu tải, thực hiện đánh giá khả năng chịu tải bổ sung đối với các đoạn sông, hồ chưa được đánh giá hoặc đã đánh giá nhưng có sự thay đổi lớn về chất lượng một số thông số chất lượng nước. Trên cơ sở đánh giá khả năng chịu tải, phân vùng xả thải, xác định các đoạn sông, hồ không còn khả năng chịu tải, xác định mục tiêu và lộ trình giảm xả thải nhằm cải thiện chất lượng môi trường nước mặt.
Bảo Lâm - VietQ