ISO 14001:2015 – Khoản 9.1.1 Theo dõi, đo lường, phân tích và đánh giá

Ngày đăng: 25/08/2021

TỔ CHỨC PHẢI THEO DÕI, ĐO LƯỜNG, PHÂN TÍCH VÀ ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG EMS (9.1.1)

Tiêu chuẩn yêu cầu

Tiêu chuẩn yêu cầu:  Tổ chức phải theo dõi, đo lường, phân tích và đánh giá kết quả hoạt động môi trường của mình.

Điều này có nghĩa là gì?

Theo định nghĩa Theo dõi (monitoring) là xác định tình trạng của một hệ thống, một quá trình hoặc một hoạt động. Để xác định tình trạng, đôi khi cần phải kiểm tra, giám sát hoặc quan trắc chặt chẽ. Hay nói một cách đơn giản Theo dõi là xác lập các hành động để có thể kiểm tra xem một cái gì đó đang xảy ra có như dự định hoặc theo kế hoạch không? Ví dụ: việc kiểm tra xem liệu công việc vệ sinh có được thực hiện hai lần một tuần theo như kế hoạch không thì đây là một quy trình theo dõi, người kiểm tra sau khi xác nhận đã thực hiện như kế hoạch thì tick vào checklist theo dõi. Hay là hệ thống quan trắc nước thải mà sở tài nguyên môi trường yêu cầu chúng ta lấp đặt đó là thiết bị theo dõi.

Đo lường (measurement) là quá trình xác định một giá trị. Do đó, đo lường có nghĩa là xác định một giá trị nào đó của đại lượng đo ví dụ như kích thước hoặc cường độ của một sự kiện được đo, tính toán hoặc ước tính với một giá trị số được chỉ định. Điều này có thể bao gồm các hoạt động như cân chất thải; Lượng khí hoặc điện tiêu thụ mỗi tuần, đo mức độ tiếng ồn ở ranh giới địa điểm, v.v.  Ngoài ra, đo lường còn có nghĩa là có thể sử dụng các phương pháp định lượng hoặc định tính có liên quan đến một thang đo đã định để xác định đại lượng cần đo đã đạt được hay không.

Theo dõi mang tính liên tục, đo lường thường mang tính gián đoạn theo tầng suất quy định. Chúng ta cần phân biệt thiết bị theo dõi và thiết bị đo lường ở thông qua đặc điểm là tính liên tục hay gián đoạn của việc ghi nhận giá trị đại lượng đo. Ví dụ: áp kế gắn trên hệ thống hơi ghi nhận liên tục giá trị áp suất của hệ thống hơi nên là thiết bị theo dõi, còn áp kế bạn dùng để kiểm tra định kỳ áp suất trong hệ thống hơi là thiết đo lường. Kết quả đầu ra của quá trình theo dõi và đo lường thường là kết quả đầu vào của quá trình đánh giá và phân tích.

Việc thực hiện theo dõi và đo lường giúp bạn:

  • đánh giá hiệu quả môi trường;
  • phân tích nguyên nhân gốc rễ của vấn đề;
  • đánh giá việc tuân thủ các yêu cầu pháp lý;
  • xác định các khu vực yêu cầu hành động khắc phục và

Phân tích có nghĩa là chẻ vấn đề ra thành từng mảnh nhỏ, để hiểu từng chi tiết, từng khía cạnh nhỏ, hiểu được vấn đề từ ngoài vào trong, từ trong ra ngoài. Trong bối cảnh này, phân tích có ý nghĩa là phân tích dữ liệu, tức là quá trình phát hiện, giải thích và truyền đạt các mô hình có ý nghĩa trong dữ liệu nhằm mục đích hiểu biết về quá trình thông qua dữ liệu được ghi lại. Các phương pháp toán học, thống kê, kỹ thuật mô tả và mô hình dự báo được sử dụng rộng rãi trong phân tích dữ liệu nhằm thu thập những hiểu biết có giá trị từ dữ liệu. Những hiểu biết sâu sắc từ dữ liệu được sử dụng để đề xuất hành động hoặc định hướng việc đưa các ra quyết định kịp thời cho quá trình hay cho EMS của bạn. Hay nói cách đơn giản là sử dụng các phương pháp thích hợp để biết được tình trạng của các quá trình, cách thức hoạt động cũng như các vấn đề trong việc vận hành các quá trình thông qua các dữ liệu thu thập được từ quá trình giám sát và đo lường.

Đánh giá dữ liệu có nghĩa nhận định giá trị của dữ liệu được phân tích. Sau khi tiến hành phân tích dữ liệu, chúng ta tiến hành đánh giá dữ liệu này là tốt hay xấu, xu hướng nó như thế nào, đạt yêu cầu hay không. Từ kết quả đánh giá này là đầu vào xem xét lãnh đạo để đưa ra các quyết định đển cải tiến liên tục hệ thống quản lý của tổ chức. Đầu ra của quá trình đánh giá là một sự kết luận về dữ liệu được phân tích (tốt, xấu, đạt, không đạt, vấn đề tồn tại, vấn đề cần cải tiến, tuân thủ hay không tuân thủ, …).

Tổ chức phải có một phương pháp tiếp cận mang tính hệ thống để thường xuyên đo lường và theo dõi, phân tích và đánh giá kết quả hoạt động môi trường của mình. Điều này cho phép tổ chức có thể báo cáo và trao đổi thông tin một cách chính xác về kết quả hoạt động môi trường của mình.

Hoạt động theo dõi nói chung là các quá trình quan trắc thực hiện theo thời gian. Hoạt động đo lường nói chung là các quá trình trong đó thiết bị được sử dụng một cách điển hình để xác định các tính chất một cách định tính hoặc định lượng. Do đó, đo lường có thể bao hàm nhu cầu kiểm soát thêm nhằm đảm bảo độ tin cậy bền vững các thiết bị này (ví dụ, hiệu chuẩn), khi thích hợp. Tổ chức phải xác định vấn đề gì cần phải theo dõi và đo lường, có tính đến các mục đích môi trường, khía cạnh môi trường, nghĩa vụ tuân thủ và các hình thức kiểm soát việc thực hiện của mình. Trong đó phải bao gồm việc xác định tần suất và các phương pháp sử dụng để thu thập dữ liệu.

Để tập trung nguồn lực của mình vào các phép đo quan trọng nhất, tổ chức phải lựa chọn các chỉ số liên quan, dễ hiểu và cung cấp các thông tin hữu ích để đánh giá các kết quả hoạt động môi trường của mình, việc lựa chọn các chỉ số phải phản ánh được bản chất và qui mô các hoạt động của tổ chức và thích hợp với các tác động môi trường của mình. Ví dụ về các chỉ số bao gồm các thông số vật lý, như nhiệt độ, áp suất, độ pH và sử dụng nguyên vật liệu, hiệu suất năng lượng, lựa chọn cách bao gói và vận chuyển. Xem TCVN ISO 14031 về hướng dẫn lực chọn các chỉ số.

Theo dõi và đo lường có thể phục vụ cho nhiều mục đích trong HTQLMT, như:

  • bám sát tiến trình để đạt được các cam kết về chính sách môi trường, và các mục tiêu môi trường, và cải tiến liên tục;
  • cung cấp các thông tin để xác định các khía cạnh môi trường có ý nghĩa;
  • thu thập các dữ liệu về phát thải và xả thải để hoàn thành các nghĩa vụ tuân thủ;
  • thu thập các dữ liệu về tiêu thụ nước, năng lượng hoặc nguyên vật liệu thô để đạt được các mục tiêu môi trường;
  • cung cấp dữ liệu để hỗ trợ hoặc đánh giá hoạt động kiểm soát việc thực hiện;
  • cung cấp dữ liệu để đánh giá kết quả hoạt động môi trường của tổ chức;
  • cung cấp dữ liệu đề đánh giá kết quả hoạt động của HTQLMT.

Làm thế nào để chứng minh?

Khi xác định quá trình theo dõi, đo lường, phân tích và đánh giá, tổ chức có thể thao khảo các bước sau:

  • Xác định rõ ràng nhu cầu theo dõi và đo lường cho EMS của bạn. Mặc dù việc thu thập thông tin rõ ràng rất quan trọng, việc theo dõi và đo lường có thể tốn nhiều nguồn lực của doanh nghiệp.

  • Xem xét các loại theo dõi và đo lường mà bạn hiện đang làm để tuân thủ quy định và các mục đích khác (chẳng hạn như đo lường môi trường lao động, quan trắc môi trường theo yêu cầu luật định, …). Những gì cần theo dõi hoặc đo lường bổ sung nữa?

  • Bắt đầu thiết lập một hệ thống giám sát và đo lường tương đối đơn giản, sau đó cải tiến từ từ khi bạn có kinh nghiệm thực tế, không nên xây dựng ban đầu quá hoàn hảo đôi khi chúng không phù hợp với thực tế lại lãng phí nguồn lực mà bạn cần đầu tư ban đầu cho chúng.

  • Đánh giá kết quả hoạt động môi trường của thiết bị: Quay lại và xem xét các khía cạnh môi trường quan trọng của bạn và các chỉ tiêu và mục tiêu liên quan đến các khía cạnh quan trọng đó. Bạn cần thông tin gì để xác định xem công ty có đạt được mục tiêu và mục tiêu không?

  • Hiệu chỉnh thiết bị: Xác định các thiết bị và hoạt động thực sự ảnh hưởng đến kết quả hoạt động môi trường của bạn. Một số công ty chọn đặt thiết bị giám sát chính theo chương trình hiệu chuẩn và bảo trì phòng ngừa đặc biệt. Điều này có thể giúp đảm bảo giám sát chính xác và cho phép nhân viên biết công cụ nào là quan trọng nhất cho mục đích giám sát môi trường. Trong một số trường hợp, việc ký hợp đồng hiệu chuẩn và bảo trì thiết bị giám sát có thể hiệu quả hơn về mặt chi phí so với việc thực hiện các chức năng này trong nội bộ.

  • Đánh giá tuân thủ quy định: Xác định tình trạng tuân thủ của bạn một cách thường xuyên là rất quan trọng. Bạn nên có một quy trình để xác định một cách có hệ thống để khắc phục và ngăn ngừa vi phạm. Hiệu quả hoạt động của chương trình quản lý tuân thủ cần được xem xét trong quá trình xem xét lãnh đạo EMS.

  • Hãy đưa thông tin môi trường ở dạng phù hợp với chức năng từng cá nhân sẽ làm tăng khả năng đạt được kết quả dự định của EMS.

Về các yêu cầu chi tiết cho việc thiết lập, thực hiện, phân tích và đánh giá bạn xem các yêu cầu tiếp sau đây.

TỔ CHỨC PHẢI NHỮNG GÌ CẦN THEO DÕI VÀ ĐO LƯỜNG (9.1.1.a)

Tiêu chuẩn yêu cầu

Tiêu chuẩn yêu cầu: Tổ chức phải xác định: a) những gì cần phải được theo dõi và đo lường;

Điều này có nghĩa là gì?

Để thực hiện việc theo dõi và đo lường thì điều đầu tiên bạn phải xác định được những gì cần phải theo dõi và đo lường. Theo thông thường, có 4 vấn đề cần phải theo dõi và đo lường là

  • Mục tiêu môi trường;
  • Các khía cạnh môi trường có nghĩa;
  • Các nghĩa vụ phải tuân thủ, và;
  • Các hoạt động kiểm soát thực hiện;

Việc theo dõi các mục tiêu môi trường nhằm biết được tình trạng của mục tiêu và khả năng đạt được mục tiêu để đưa ra các hành động kịp thời.

Đối với các khía cạnh môi trường có nghĩa, sau khi thực hiện các biện pháp kiểm soát, chúng ta cũng phải xác định cách thức đo lường để biết rằng các khía cạnh môi trường này có nằm trong mức độ kiểm soát mong muốn không?

Việc theo dõi nghĩa vụ tuân thủ giúp tổ chức biết được mình có tuân thủ hay chưa.

Làm thế nào để chứng minh?

Để thực hiện việc này, việc đầu tiên bản phải xác định là các khía cạnh môi trường có ý nghĩa nào cần phải giám sát và đo lường, sau đó liệt kê bảng các hạng mục cần theo dõi và đo lường.

Đối với quá trình vận hành cũng vậy, bạn cũng xác định rằng làm thế nào để biết một quá trình có được thực hiện đầy đủ như hoạch định hay không. Ví dụ như làm thế nào để biết việc phân loại rác có được thực hiện đầy đủ hay không? Một số trường hợp chúng ta cũng phải thiết lập quá trình đo lường trong vận hành để đảm bảo các quá trình luôn tạo ra kết quả như dự định, chẳng hạng như đo lường hàm lượng bùn trong bể sinh học hàng ngày. Điều này cũng như xác định các tiêu chí giám sát đo lường trong tiêu chuẩn ISO 9001:2015.

Riêng mục tiêu chất lượng thì bạn phải theo dõi đo lường thường xuyên, thông thường hàng tháng.

Bạn có thể tham khảo bản sau đây:

KẾ HOẠCH GIÁM SÁT VÀ ĐO LƯỜNG NĂM
STT Hạng mục giám sát và đo lường Phương pháp giám sát Tiêu chí đánh giá Tầng suất giám sát /Tháng Ghi chú
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12
1 Đo lường chỉ tiêu khí thải Bên ngoài Không có chỉ tiêu nào vượt quy định     O     O     O     O  
2 Kiểm định các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn Bên ngoài Tất cả thiết bị kiểm định đạt yêu cầu                 O        
3 Đo lường chỉ tiêu nước thải sinh hoạt Bên ngoài Không có chỉ tiêu nào vượt quy định     O     O     O     O  
4 Đo lường môi trường lao động (Tiếng ồn, khí thải, độ ẩm, ánh sáng…) Bên ngoài Không có chỉ tiêu nào vượt quy định           O              
5 Đo lường không khí xung quanh Bên ngoài Không có chỉ tiêu nào vượt quy định           O           O  
6 Kiểm tra điện trở nối đất hệ thống chống sét định kỳ Bên ngoài Kết quả đo lường đạt yêu cầu       O                  
7 Mục tiêu chất lượng Theo kế hoạch hành động mục tiêu Đạt mục tiêu O O O O O O O O O O O O  
8 Giám sát lượng nước tiêu thụ Theo dõi lượng nước tiêu thụ theo hoá đơn nước Lượng nước tiêu thụ trung bình dưới 0,1 lít/sp O O O O O O O O O O O O  
9 Giám sát lượng giấy tiêu thụ Theo dõi xuất nhập tồn giấy in Lượng giấy tiêu thụ trung bình dưới 0,5 tờ/sp O O O O O O O O O O O O  
10 Giám sát lượng gas tiêu thụ Theo dõi lượng gas sử dụng hàng tháng Lượng giấy tiêu thụ trung bình dưới 0,5 kg/ 100 sp O O O O O O O O O O O O  
11 Giám sát rác thải thông thường Theo dõi biên bản bán rác hàng tháng Lượng rác phát sinh trung bình dưới 0,5 kg/100 sp O O O O O O O O O O O O  
12 Giám sát rác thải nguy hại Định kỳ hàng tháng cân rác thải nguy hại Lượng rác phát sinh trung bình dưới 0,01 kg/100 sp O O O O O O O O O O O O  
13 Giám sát lượng điện tiêu thụ Theo dõi lượng điện tiêu thụ trên hoá đơn điện Lượng điện tiêu thụ trung bình dưới 0.01 kw/sp O O O O O O O O O O O O  
14 Giám sát lượng CO2 quy đổi Tính công thức quy đổi về lượng CO2 trung bình Lượng CO2 quy đổi phát sinh trung bình dưới 0,1 kg/100 sp O O O O O O O O O O O O  

 TỔ CHỨC PHẢI XÁC ĐỊNH PHƯƠNG PHÁP THEO DÕI VÀ ĐO LƯỜNG (9.1.1.b)

Tiêu chuẩn yêu cầu

Tiêu chuẩn yêu cầu: Tổ chức phải xác định: b) các phương pháp theo dõi, đo lường, phân tích và đánh giá có thể áp dụng, để đảm bảo kết quả có giá trị;

Điều này có nghĩa là gì?

Ở phần 9.1.1.a chúng ta đã xác định những gì cần phải giám sát đo lường, phần này chúng ta xác định cách thức đo theo dõi và đo lường các vấn đề cần theo dõi và đo lường.

Các phương pháp mà tổ chức sử dụng để theo dõi và đo lường, phân tích và đánh giá phải được xác định trong hệ thống quản lý môi trường, để đảm bảo rằng:

  1. a) thời gian theo dõi và đo lường được phối hợp cùng các nhu cầu để phân tích và đánh giá các kết quả;
  2. b) các kết quả theo dõi và đo lường đáng tin cậy, tái lập và có thể truy tìm nguồn gốc;
  3. c) việc phân tích và đánh giá là đáng tin cậy và có thể tái lập, và cho phép tổ chức báo cáo các xu hướng.

Hoạt động theo dõi và đo lường phải được tiến hành trong điều kiện được kiểm soát và với quá trình đo thích hợp để đảm bảo tính hiệu lực của kết quả, như:

– lựa chọn các phương pháp lấy mẫu và thu thập dữ liệu;

– cung cấp hiệu chuẩn hoặc kiểm định thiết bị đo đầy đủ;

– sử dụng các chuẩn đo liên kết với các chuẩn đo quốc gia hoặc quốc tế;

– sử dụng nhân viên có năng lực;

– sử dụng các phương pháp kiểm soát chất lượng phù hợp, kể cả việc diễn giải dữ liệu và xu hướng phân tích.

Tổ chức phải cân nhắc việc sử dụng thích hợp các phòng thử nghiệm có các phương pháp thử đã được tổ chức công nhận quốc gia công nhận hoặc được các cơ quan quản lý phê duyệt. Nếu không có sự công nhận hoặc phê chuẩn sẵn sàng, thì tổ chức phải cân nhắc các phương pháp thích hợp khác để xác nhận độ chính xác của các kết quả, như tách riêng việc phân tích mẫu, thử nghiệm các chất chuẩn đã được công nhận và các chương trình thử nghiệm thành thạo.

Làm thế nào để chứng minh?

Khi thiết kế phương pháp theo dõi và đo lường, bạn nên xem xét các yếu tố sau:

  • Xác định các quá trình chính nào cần phải giám sát và đo lường;
  • Xác định các đầu ra mong muốn hay các mục tiêu cần đạt được và các rủi ro từ các quá trình này;
  • Từ các đầu ra mong muốn, tiến hành xác định các điểm cần thiết trong quá trình cần phải theo dõi và đo lường để đảm bảo đạt được đầu ra mong muốn và kiểm soát được rủi ro;
  • Từ các điểm cần thiết, tiến hành xác định các tham số cụ thể mà chúng có thể cho biết cách thức quá trình đang hoạt động (quá trình đang tốt hay xấu);
  • Xác định chức năng hoặc vai trò chịu trách nhiệm thực hiện các hoạt động đo lường (nhân viên, phòng ban);
  • Xác định các thông số để theo dõi và đo lường như điều kiện quá trình, khoảng thời gian lấy mẫu, tỷ lệ lấy mẫu và số lượng mẫu lấy;
  • Mô tả các giai đoạn trong quá trình thực hiện các hoạt động đo lường (kỹ thuật thực hiện hoặc hướng dẫn thực hiện);
  • Các nguồn lực phục vụ đo lường: công cụ, thiết bị hoặc phần mềm cần thiết để thực hiện hoặc hỗ trợ đo lường;
  • Các kết quả phải được ghi lại ở đâu và ghi như thế nào?
  • Hành động bắt buộc trong trường hợp phát hiện sự không tuân thủ

Bạn phải thiết lập cách thức đo lường từng các yếu tố mà bạn xác định cần phải đo lường. Bạn có thể tham khảo bảng Kế hoạch giám sát và đo lường năm cột Phương pháp giám sát ở trên.

TỔ CHỨC PHẢI XÁC ĐỊNH CHUẨN MỰC LÀM CĂN CỨ ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG (9.1.1.c)

Tiêu chuẩn yêu cầu

Tiêu chuẩn yêu cầu: Tổ chức phải xác địnhc) các chuẩn mực làm căn cứ để tổ chức đánh giá kết quả hoạt động môi trường, và các chỉ số thích hợp;

Điều này có nghĩa là gì?

Điều khoản này yêu cầu bạn là làm thế nào chúng ta biết được kết quả đo lường đạt hay không đạt, muốn biết thì chúng ta phải thiết lập các chỉ tiêu hoặc mục tiêu cho chúng.

Các chỉ số kết quả hoạt động của bạn cần lưu ý:

  • Đơn giản và dễ hiểu.
  • định lượng rõ ràng.
  • Có thể kiểm chứng, đánh giá, so sánh;
  • Có liên quan đến mục tiêu và chỉ tiêu của EMS.

Dưới đây là một số chỉ số mẫu về chỉ số hoạt động môi trường. Mỗi chỉ số mà bạn chọn phải liên quan đến nguyên nhân của một tác động tiềm năng. Các mẫu dưới đây minh họa các cách để nêu các chỉ số của bạn.

  • Số lượng CO2 được tạo ra trên mỗi đơn vị sản phẩm được sản xuất.
  • Số lượng chất độc hại phát ra trên mỗi đơn vị sản phẩm.

Làm thế nào để chứng minh?

Đối với mỗi tiêu chí đo lường bạn phải xác nhận được chỉ số đo lường thích hợp để làm căn cứ kết luận các chỉ số hoạt động môi trường đạt hay không đạt.

Bạn có thể tham khảo Kế hoạch giám sát và đo lường năm cột tiêu chí đánh giá ở trên hay hình minh hoạ bên dưới.

 

TỔ CHỨC PHẢI XÁC ĐỊNH KHI NÀO PHẢI THEO DÕI VÀ ĐO LƯỜNG (9.1.1.d)

Tiêu chuẩn yêu cầu

Tiêu chuẩn yêu cầu: Tổ chức phải xác địnhd) khi nào việc theo dõi và đo lường phải được thực hiện;

Điều này có nghĩa là gì?

Điều khoản này yêu cầu bạn xác định tầng suất đo lường cho từng chỉ tiêu đã được xác định. Việc xác định tầng suất này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:

  • Yêu cầu các bên liên quan, ví dụ như luật định;
  • Cam kết của tổ chức, ví dụ trong ĐTM chúng ta cam kết 3 tháng 1 lần quan trắc chất lượng nước thải đầu ra và báo cáo Trung tâm môi trường thì định kỳ 3 tháng chúng ta tiến hành giám sát và đo lường;
  • Theo tính chất và mức độ phát sinh của khía cạnh môi trường, ví dụ như rác thải nguy hại chúng ta phát sinh ít có thể 3 tháng chúng ta mới cân đo một lần, nếu nhiều thì hàng tuần phải cân đo 1 lần;
  • Tầng suất báo cáo hay phân tích dữ liệu.

Làm thế nào chứng minh?

Ban quy định tầng suất đo lường cho từng chỉ tiêu cần giám sát và đo lường. bạn có thể tham khảo bảng Kế hoạch giám sát và đo lường năm cột tần suất giám sát ở trên

TỔ CHỨC PHẢI XÁC ĐỊNH KHI NÀO KẾT QUẢ THEO DÕI VÀ ĐO LƯỜNG ĐƯỢC PHÂN TÍCH VÀ ĐÁNH GIÁ (9.1.1.e)

Tiêu chuẩn yêu cầu

Tiêu chuẩn yêu cầu: Tổ chức phải xác địnhe) khi nào kết quả theo dõi và đo lường phải được phân tích và đánh giá.

Điều này có nghĩa là gì?

Tất cả việc theo dõi, đo lường, phân tích và đánh giá bạn đang thực hiện cho quá trình làm rõ ràng kết quả hoạt động và tính hiệu lực của EMS. Ba hạng mục sau sẽ đặc biệt hữu ích trong việc minh họa mức độ hiệu lực EMS của bạn:

  • Kết quả mục tiêu môi trường
  • Kết quả đánh giá nội bộ.
  • Kết quả xem xét lãnh đạo.

Đây là 3 yếu tố chủ yếu cho việc đánh giá tính hiệu lực của EMS.

Tiêu chuẩn không yêu cầu sử dụng phương pháp nào để phân tích dữ liệu thu được, do đó việc lựa chọn phương pháp phân tích và đánh giá là tuỳ tổ chức, bản có thể sử dụng 7 công cụ thống kế, phương pháp data analytic, inovar, … Dù bạn sử dụng phương pháp nào đi chăn nữa thì kết quả phân tích và đánh giá phải chỉ ra được các vấn đề sau:

  • Tình trạng hệ thống quản lý EMS;
  • Xu hướng của các quá trình;
  • Cơ hội cải tiến thu được là gì.

Làm thế nào để chứng minh?

Các kết quả theo dõi và đo lường phải được phân tích và sử dụng để xác định sự không phù hợp, theo các giới hạn được xác định bởi các nghĩa vụ tuân thủ, xu hướng kết quả cũng như các cơ hội để cải tiến liên tục. Phân tích các dữ liệu có thể bao gồm sự cân nhắc về chất lượng dữ liệu, hiệu lực, tính đầy đủ và đồng bộ cần thiết của dữ liệu để tạo ra các thông tin đáng tin cậy. Có thể sử dụng các kỹ thuật thống kê như một công cụ làm tăng độ tin cậy khi quyết định liệu đã đạt được kết quả mong muốn hay chưa. Các công cụ này có thể gồm, kỹ thuật đồ thị, lập chỉ số, tổng hợp hoặc trọng số.

Thông thường, người ta thường dùng 7 công cụ thống kê để phân tích dữ liệu.

TỔ CHỨC PHẢI ĐẢM BẢO THIẾT BỊ THEO DÕI VÀ ĐO LƯỜNG ĐƯỢC HIỆU CHUẨN HOẶC KIỂM TRA XÁC NHẬN (9.1.1)

Tiêu chuẩn yêu cầu

Tiêu chuẩn yêu cầu: Tổ chức phải đảm bảo rằng thiết bị theo dõi và đo lường đã hiệu chuẩn hoặc kiểm tra xác nhận được sử dụng và bảo dưỡng, khi thích hợp.

Điều này có nghĩa là gì?

Tiêu chuẩn yêu cầu các thiết bị sử dụng giám sát đo lường phải được hiệu chuẩn hoặc kiểm tra xác nhận khi sử dụng và được bảo dưỡng để đảm bảo tính sẵn sàng và tính đúng của thiết bị đo.

Làm thế nào để chứng minh?

Đầu tiên, tổ chức phải xác định những điểm cần giám sát và đo lường trong QMS, việc xác định này có thể dựa trên các yêu cầu đối với những gì cần phải được đo và tiêu chí chấp nhận từ các khách hàng, luật định, ngành công nghiệp và chính tổ chức của bạn. Hoạch định việc tạo sản phẩm phải xác định theo những sản phẩm cụ thể và đặc điểm quá trình cần phải được theo dõi và đo lường, các tiêu chí chấp nhận sản phẩm, các loại hình giám sát và đo lường thiết bị cần thiết, tần suất giám sát đo lường, kích thước mẫu, … sau đó bạn phải xác định những gì Giám sát và thiết bị đo lường thích hợp cho từng đo hoặc giám sát yêu cầu

Từ kết quả này bạn xem lại những điểm giám sát và đo lường này cần các nguồn lực cần thiết nào cho hoạt động giám sát và đo lường, sau đó lập thành một danh sách các thiết bị giám sát và đo lường

TỔ CHỨC PHẢI ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG MÔI TRƯỜNG VÀ HIỆU LỰC EMS (9.1.1)

Tiêu chuẩn yêu cầu

Tiêu chuẩn yêu cầu: Tổ chức phải đánh giá kết quả hoạt động môi trường của mình và tính hiệu lực của hệ thống quản lý môi trường.

Điều này có nghĩa là gì?

Hiệu lực được định nghĩa là mức độ theo đó các hoạt động đã hoạch định được thực hiện và đạt được các kết quả đã hoạch định. Nghĩa là các chỉ số thu được từ quá trình hoạt động cho thấy chúng đạt được mục tiêu.

Kết quả hoạt động môi trường là kết quả có thể đo được liên quan đến việc quản lý các khía cạnh môi trường.

Đánh giá dữ liệu có nghĩa nhận định giá trị của dữ liệu được phân tích. Sau khi tiến hành phân tích dữ liệu, chúng ta tiến hành đánh giá dữ liệu này là tốt hay xấu, xu hướng nó như thế nào, đạt yêu cầu hay không.

Tiêu chuẩn yêu cầu chúng ta phải đánh giá lại kết quả phân tích dữ liệu thu được từ quá trình theo dõi và đo lường ở trên tiến hành đánh giá lại các kết quả môi trường có đạt hay không đạt mục tiêu đề ra và xu hướng của các quá trình hiện tại.

Đánh giá hiệu lực EMS nghĩa là bạn xem các hoạch định cho EMS ban đều của bạn có đạt được như mong muốn hay không, Mục đích EMS có đạt được hay không, các mục đích bao gồm:

  • nâng cao kết quả hoạt động môi trường;
  • hoàn thành các nghĩa vụ tuân thủ;
  • đạt được các mục tiêu môi trường.

Làm thế nào để chứng minh?

Năm hạng mục sau sẽ đặc biệt hữu ích trong việc minh họa mức độ hiệu lực EMS của bạn:

  • Kết quả mục tiêu môi trường;
  • Kết quả giám sát và đo lường;
  • Kết quả đánh giá tuân thủ;
  • Kết quả đánh giá nội bộ.
  • Kết quả xem xét lãnh đạo.

Nếu tất cả 5 yếu tố trên điều cho thấy hệ thống EMS đạt được kết quả như hoạch định chúng ta dễ dàng kết luận rằng EMS chúng ta có hiệu lực.

TỔ CHỨC PHẢI TRAO ĐỔI KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG MÔI TRƯỜNG CHO CÁC BÊN LIÊN QUAN (9.1.1)

Tiêu chuẩn yêu cầu

Tiêu chuẩn yêu cầu: Tổ chức phải trao đổi thông tin kết quả hoạt động môi trường có liên quan cả trong nội bộ và bên ngoài, như đã nhận biết trong (các) quá trình trao đổi thông tin và theo yêu cầu của các nghĩa vụ tuân thủ.

Điều này có nghĩa là gì?

Tiêu chuẩn yêu cầu bạn phải thực hiện trao đổi về kết quả hoạt động môi trường cho các bên liên quan theo như xác định ở phẩn trao đổi thông tin.

  • Đối với nội bộ: Các phân tích và đánh giá kết quả hoạt động môi trường phải được báo cáo đến những người có trách nhiệm và quyền hạn để để xuất hành động thích hợp, cho những người có liên quan đến các hoạt động của họ để họ nhận thức rằng mình đang kiểm soát tốt hay chưa để họ tuân thủ và cải tiến lại mình;
  • Đối với bên ngoài: báo cáo cho khách hàng, cho cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan quản lý địa phương. Ví dụ như báo cáo quan trắc môi trường gửi cho chi cục bảo vệ môi trường, …

Làm thế nào để chứng minh?

Bạn thực hiện trao đổi thông tin như những gì đã hoạch định.

TỔ CHỨC PHẢI LƯU GIỮ THÔNG TIN DẠNG VĂN BẢN VỀ THEO DÕI ĐO LƯỜNG (9.1.1)

Tiêu chuẩn yêu cầu

Tiêu chuẩn yêu cầu: Tổ chức phải lưu giữ thông tin dạng văn bản thích hợp làm bằng chứng về các kết quả theo dõi, đo lường, phân tích và đánh giá.

Điều này có nghĩa là gì?

Tiêu chuẩn yêu cầu tổ chức phải duy trì các thủ tục dạng văn bản để thực hiện các hoạt động theo dõi, đo lường, phân tích và đánh giá có thể hỗ trợ để cung cấp sự nhất quán, độ tái lập và độ tin cậy vào các dữ liệu thu được. và các kết quả theo dõi, đo lường, phân tích và đánh giá cũng phải được lưu giữ như một thông tin dạng văn bản.

Làm thế nào để chứng minh?

Bạn thiết lập quy trình theo dõi, đo lường, phân tích và đánh giá kết quả hoạt động theo yêu cầu của điều khoản này và duy trì chúng có hiệu lực;

Bạn lưu lại các kết quả giám sát đo lường, phân tích, đánh giá, trao đổi thông tin liên quan đến hoạt động này.

Quantri24h

tin tức cùng chuyên mục:
ISO 14001 : 2015 - Bối cảnh của tổ chức (2708 Lượt xem)
ISO 14001:2015 – 5.1 Lãnh đạo và sự cam kết (1692 Lượt xem)
ISO 14001:2015 - 5.2 Chính sách môi trường (4881 Lượt xem)
ISO 14001:2015 – 5.3 Vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của lãnh đạo trong tổ chức (2988 Lượt xem)
ISO 14001: 2015 - Khoản 6.1.1 - Khái quát Hành động giải quyết các rủi ro và cơ hội trong hoạch định (5029 Lượt xem)
ISO 14001:2015 – Khoản 6.1.2 Khía cạnh môi trường trong hoạch định (10595 Lượt xem)
ISO 14001:2015 – Hướng dẫn xác định khía cạnh môi trường theo Khoản 6.1.2 (19321 Lượt xem)
ISO 14001:2015 – 6.1.3 Nghĩa vụ tuân thủ các khía cạnh môi trường (4724 Lượt xem)
ISO 14001: 2015 - Khoản 6.1.4 Hoạch định hành động (2375 Lượt xem)
ISO 14001:2015 – Khoản 6.2: Mục tiêu môi trường và hoạch định đạt mục tiêu (5853 Lượt xem)
ISO 14001:2015 – Khoản 7.1: Nguồn lực (2034 Lượt xem)
ISO 14001:2015 - Khoản 7.3: Nhận thức (3208 Lượt xem)
ISO 14001:2015 – Khoản 7.4 Trao đổi thông tin (5078 Lượt xem)
ISO 14001:2015 – Khoản 8.1. Hoạch định và kiểm soát việc thực hiện (4595 Lượt xem)
ISO 14001:2015 – Khoản 8.2 Chuẩn bị sẵn sàng và ứng phó với tình huống khẩn cấp (12991 Lượt xem)
ISO 14001:2015 – Khoản 9.1.2 Đánh giá sự tuân thủ (5214 Lượt xem)
ISO 14001:2015 – Khoản 9.2 và 9.3 Đánh giá nội bộ và xem xét của lãnh đạo (6483 Lượt xem)
ISO 14001:2015 – Khoản 10 Cải tiến (2861 Lượt xem)
TCVN ISO 14004:2017/ ISO 14004:2016 - Hướng dẫn áp dụng ISO 14001:2015 (1792 Lượt xem)
ISO 14001:2015 – Khoản 7.2: Năng lực (2825 Lượt xem)
HƠN 3000 DOANH NGHIỆP ĐƯỢC CHUYÊN GIA CỦA ICERT TƯ VẤN, ÁP DỤNG HIỆU QUẢ VÀ ĐẠT CHỨNG NHẬN THEO TIÊU CHUẨN QUỐC GIA VÀ QUỐC TẾ
ICERT Miền Bắc Công ty CP Tư vấn Chứng nhận Quốc tế ICERT
Mã số thuế: 0108091764
Địa chỉ:  Số 07, ngách 21, ngõ 168 Nguyễn Xiển, Hạ Đình, Thanh Xuân, Tp. Hà Nội
Hotline: 0963 889 585

Tel: 024 6650 6199
Email: hn@icert.vn
DMCA.com Protection Status
ICERT Miền Trung Công ty CP tư vấn chứng nhận Quốc tế ICERT CENTRAL
Mã số thuế: 0401783654
Địa chỉ: K171/63 Trần Thái Tông, Phường An Khê, Quận Thanh Khê, Tp. Đà Nẵng
Hotline: 
0914 588 159
Email: dn@icert.vn
 
ICERT Miền Nam Công ty CP tư vấn chứng nhận Quốc tế ICERT GLOBAL
Mã số thuế: 0316085828
Địa chỉ: Tầng 4, 232/1/33 đường Bình Lợi, Phường 13, Quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh
Hotline: 0966 995 916

Tel: 028 6271 7639
Email: hcm@icert.vn
 
Hotline 24/7: Bắc: 0963.889.585/ Trung: 0914.588.159/ Nam: 0966.995.916
Nhắn tin zalo ICERT