Việc áp dụng ISO 9001:2015 giúp kiểm soát chặt chẽ, hạn chế sai sót trong quá trình giải quyết hồ sơ của tổ chức, công dân thông qua hoạt động đánh giá nội bộ tại đơn vị, phát huy tính hiệu lực, hiệu quả của hệ thống quản lý chất lượng.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tây Ninh, qua kết quả kiểm tra năm 2024, toàn tỉnh có 106/124 đơn vị (đạt 85,48%) thực hiện việc duy trì áp dụng và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015. Hiệu quả mang lại giúp quy định rõ vai trò, trách nhiệm từng cá nhân, qua đó, lãnh đạo có thể đánh giá năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm của công chức một cách khách quan hơn; kiểm soát chặt chẽ, hạn chế sai sót trong giải quyết hồ sơ của tổ chức, công dân thông qua hoạt động đánh giá nội bộ tại đơn vị, phát huy tính hiệu lực, hiệu quả của hệ thống quản lý chất lượng.
Tuy nhiên, vẫn còn 18/124 (chiếm 14,52%) thực hiện chưa tốt việc duy trì áp dụng và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015, do phần lớn đơn vị chủ yếu giải quyết công việc theo các thủ tục hành chính, ít quan tâm đến việc áp dụng ISO vì chưa hiểu được lợi ích mà ISO mang lại cho đơn vị thông qua đánh giá nội bộ. Đồng thời, công chức phụ trách ISO thường xuyên luân chuyển công tác, một vị trí đảm nhiệm nhiều công việc (nhất là ở cấp xã) nên việc duy trì áp dụng hệ thống quản lý chất lượng còn mang tính hình thức, hiệu quả thực sự chưa cao.
Ảnh minh họa.
Trong thời gian tới, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước trong duy trì áp dụng và cải tiến HTQLCL, gắn với đánh giá mức độ hoàn thành công việc; Động viên, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc xây dựng, áp dụng, cải tiến HTQLCL; Xác định việc duy trì áp dụng, cải tiến HTQLCL là nhiệm vụ chính trị quan trọng của đơn vị trong thực hiện công tác cải cách hành chính…
Việc áp dụng ISO giúp lãnh đạo đơn vị điều hành công việc có thể phát huy hiệu quả hơn vai trò, đồng thời thiết lập cơ chế giải quyết công việc rành mạch và thống nhất. Cán bộ, công chức được phân công trách nhiệm rõ ràng trong quá trình xử lý công việc, đánh giá năng lực chuyên môn, tinh thần, trách nhiệm một cách khách quan.
Việc áp dụng HTQLCL theo ISO còn làm giảm đáng kể hiện tượng nhũng nhiễu, gây phiền hà của cán bộ, công chức. Các thủ tục hành chính đều có quy trình xử lý công việc niêm yết công khai, minh bạch. Người dân đến cơ quan nhà nước được hướng dẫn tận tình, trả kết quả xử lý đúng hẹn. Chất lượng, hiệu quả công tác quản lý và cung cấp dịch vụ hành chính công được nâng cao, tạo lòng tin và sự hài lòng của người dân.
Hà My - VietQ