Truy xuất nguồn gốc là yếu tố quan trọng trong việc đáp ứng đòi hỏi của người tiêu dùng và thị trường về sự minh bạch của sản phẩm hàng hóa.
Chia sẻ câu chuyện quản lý, duy trì và cấp mã số vùng trồng, ông Lê Nhật Thành, Giám đốc Trung tâm kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho rằng, việc này thể hiện sự quản lý minh bạch, rõ ràng đối với vùng trồng, đáp ứng các điều kiện bắt buộc tuân thủ trong thỏa thuận hợp tác kí kết giữa hai cơ quan bảo vệ thực vật quốc gia về chương trình làm việc/nghị định thư xuất khẩu quả tươi từ Việt Nam sang nước nhập khẩu tương ứng có yêu cầu.
Đồng thời, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và quản lý được những loài dịch hại là đối tượng kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu theo yêu cầu nhập khẩu các nước; kiểm soát được việc sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên nông sản xuất khẩu.
Ông Lê Nhật Thành, Giám đốc Trung tâm kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT).
Thông qua đó, nâng cao uy tín của nông sản Việt Nam vào thị trường có giá trị cao để việc đàm phán mở cửa hàng nông sản vào các thị trường khác được thuận lợi. Từ đó, các cơ quan khác có thể tổ chức xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam.
Cũng theo ông Thành, yêu cầu chung về vùng trồng cần sử dụng thống nhất một quy trình sản xuất và quản lý sinh vật gây hại. Vùng trồng cần đảm bảo kiểm soát sinh vật gây hại ở mức độ phổ biến thấp và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của các nước nhập khẩu.
Bên cạnh đó, vùng trồng phải được kiểm tra và cấp mã số lần đầu trước vụ thu hoạch, nội dung kiểm tra tùy thuộc vào đối tượng cây trồng và yêu cầu kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu. Trước mỗi vụ thu hoạch, các mã số vùng trồng cần đăng ký lại; trong trường hợp không đăng ký lại thì mã số sẽ bị thu hồi.
Một khi nông sản của Việt Nam tuân thủ quy định thì việc đàm phán mở cửa cho nông sản xuất khẩu sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
Tính đến cuối tháng 11/2021, Cục Bảo vệ thực vật đã cấp hơn 3.600 mã số vùng trồng tại 48/63 tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ, trong đó hơn 2.800 mã số cho 12 loại trái cây (chủ yếu là xoài, thanh long), 11 mã số cho hạt giống ớt và cà chua; gần 200 mã số cho rau gia vị sản xuất trong nhà lưới xuất khẩu sang EU; và gần 400 mã số cho ngọn cây cảnh, cây hoa xuất khẩu.
Hiện nay, các nước như Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đều đưa ra yêu cầu về mã số vùng trồng. Một khi nông sản của Việt Nam tuân thủ quy định thì việc đàm phán mở cửa cho nông sản xuất khẩu sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
"Trước đây, muốn đàm phán để cho quả vải sang Mỹ chúng tôi phải nộp hồ sơ từ năm 1998 nhưng đến năm 2015, Mỹ mới chính thức cho phép quả vải xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên, những năm gần đây, việc đàm phàn đã ngắn hơn nhiều do chúng ta vừa có kinh nghiệm, vừa minh bạch, sản xuất nông nghiệp đã có uy tín trên thị trường quốc tế. Chỉ cần 2-3 năm là chúng ta có thể mở cửa được thị trường trái cây sang các nước“, ông Lê Nhật Thành nhấn mạnh.
Hà My