Tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ - thúc đẩy nông nghiệp tuần hoàn và sử dụng năng lượng xanh

Ngày đăng: 12/10/2022
Tiêu chuẩn hữu cơ trên thế giới và tại Việt Nam rất chú trọng đến vấn đề bảo toàn hệ sinh thái và ứng dụng năng lượng xanh. Việc thúc đẩy năng lượng xanh trong sản xuất nông nghiệp trước mắt nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm (nguyên tắc sức khỏe), bảo vệ môi trường (nguyên tắc sinh thái) và về lâu dài sẽ góp phần cho nền nông nghiệp bền vững.

1. Tổng quan

Thời gian gần đây, do áp lực của các thị trường nhập khẩu và nhu cầu tự thân của nhà sản xuất dẫn đến việc áp dụng các phương thức sản xuất mới như thực hành nông nghiệp tốt và nông nghiệp hữu cơ đang ngày càng phổ biến.

Theo Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (CODEX), nông nghiệp hữu cơ là hệ thống quản lý sản xuất toàn diện nhằm đẩy mạnh và tăng cường sức khỏe của hệ sinh thái nông nghiệp bao gồm cả đa dạng sinh học, các chu trình sinh học và năng suất sinh học. Nông nghiệp hữu cơ nhấn mạnh việc quản lý các hoạt động canh tác, giảm thiểu việc dùng vật tư, nguyên liệu đầu vào từ bên ngoài cơ sở sản xuất và có tính đến các điều kiện từng vùng, từng địa phương.

Tiêu chuẩn hữu cơ ASEAN nêu rõ nông nghiệp hữu cơ đáp ứng các mục tiêu sau đây: (i) Áp dụng sản xuất hữu cơ lâu dài, bền vững, theo hướng sinh thái và có tính hệ thống; (ii) Đảm bảo độ phì của đất lâu dài và dựa trên đặc tính sinh học của đất; (iii) Giảm thiểu (và tránh dùng nếu có thể) vật tư, nguyên liệu đầu vào là chất tổng hợp trong mọi giai đoạn của chuỗi sản xuất hữu cơ cũng như sự phơi nhiễm của con người và môi trường đối với các hóa chất bền hoặc có nguy cơ gây hại; (iv) Giảm thiểu việc gây ô nhiễm từ hoạt động sản xuất đến môi trường xung quanh;

(v) Không sử dụng các công nghệ không có nguồn gốc tự nhiên (ví dụ: các sản phẩm từ kỹ thuật biến đổi gen, công nghệ chiếu xạ...); (vi) Tránh bị ô nhiễm từ môi trường xung quanh; (vii) Duy trì tính chất hữu cơ trong suốt quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bao gói, bảo quản và vận chuyển.

Trên phương diện quốc tế, trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ hiện có tiêu chuẩn của CODEX là CXG 32-1999 Hướng dẫn đối với sản xuất, chế biến, ghi nhãn và marketing thực phẩm hữu cơ. Bên cạnh đó, tiêu chuẩn của Liên đoàn quốc tế các phong trào nông nghiệp hữu cơ (IFOAM) Tiêu chuẩn đối với sản xuất và chế biến hữu cơ cũng được sử dụng rộng rãi như một tiêu chuẩn quốc tế.

Về tiêu chuẩn khu vực, hiện có quy định của Liên minh châu Âu (Regulation (EU) 2018/848 về sản xuất hữu cơ và ghi nhãn sản phẩm hữu cơ), tiêu chuẩn ASEAN (ASEAN Standard for organic agriculture) v.v… Trong đó, tiêu chuẩn ASEAN chỉ mới đề cập đến sản xuất hữu cơ nói chung và trồng trọt hữu cơ, chưa đề cập đến chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản hữu cơ.

Hầu hết các nước trên thế giới đều có tiêu chuẩn hoặc quy định đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Ảnh minh họa.

Ở cấp độ quốc gia, hầu hết các nước trên thế giới đều có tiêu chuẩn hoặc quy định đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp hữu cơ, chế biến thực phẩm hữu cơ.

Tại Việt Nam, trong năm 2017, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố 04 TCVN về nông nghiệp hữu cơ, bao gồm TCVN 11041-1:2017 về yêu cầu chung đối với sản xuất, chế biến và ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; TCVN 11041-2:2017 về trồng trọt hữu cơ; TCVN 11041-3:2017 về chăn nuôi hữu cơ; TCVN 12134:2017 về yêu cầu đối với tổ chức chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Nhóm TCVN này về cơ bản hài hòa nội dung với các tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, với các tiêu chuẩn, quy định của một số quốc gia tiên tiến là rất quan trọng. Mặt khác, các TCVN này được đánh giá là phù hợp với thực tế tại Việt Nam, áp dụng được trong thực tiễn.

Năm 2018, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục công bố 04 TCVN đối với một số sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đặc thù (TCVN 11041-5:2018 về gạo hữu cơ, TCVN 11041-6:2018 về chè hữu cơ, TCVN 11041-7:2018 về sữa hữu cơ, TCVN 11041-8:2018 về tôm hữu cơ). Đây là những sản phẩm chủ lực của nền kinh tế, hiện đang có hoạt động sản xuất hữu cơ.  

2. Tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ thúc đẩy nông nghiệp tuần hoàn

Với phương thức canh tác làm việc chu trình tự nhiên, bảo toàn và làm phong phú hệ sinh thái nông nghiệp, nông nghiệp hữu cơ sẽ mang lại lợi ích không chỉ đối với sức khỏe người sản xuất và tiêu dùng mà còn góp phần cải tạo, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững nền nông nghiệp.

Các nguyên tắc của nông nghiệp hữu cơ bao gồm sức khỏe, sinh thái, cân bằng và cẩn trọng. Trong đó, nguyên tắc sinh thái hay còn gọi là nguyên tắc bảo tồn hệ sinh thái, quy định rằng nông nghiệp hữu cơ cần dựa trên các hệ sinh thái sống và chu trình tự nhiên, vận hành phù hợp với chúng, tuân thủ các quy tắc của chúng và giúp bảo vệ tính toàn vẹn và hài hòa của chúng. Việc vận dụng bốn nguyên tắc nêu trên, đặc biệt là nguyên tắc sinh thái, gắn kết chặt chẽ với khái niệm nông nghiệp tuần hoàn.

Nông nghiệp hữu cơ mang lại lợi ích cho sức khỏe người sản xuất và tiêu dùng, đồng thời góp phần cải tạo, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững nền nông nghiệp. Ảnh minh họa.

Khái niệm nông nghiệp tuần hoàn được phát triển dựa trên ý tưởng từ khái niệm kinh tế tuần hoàn, sử dụng lý thuyết và nguyên tắc của sinh thái công nghiệp. Sinh thái công nghiệp tìm cách giảm tiêu thụ tài nguyên và giảm thải ra môi trường bằng cách đóng vòng lặp sử dụng vật liệu và chất liệu.

Mục đích của nông nghiệp tuần hoàn là không sử dụng nhiều diện tích hoặc tài nguyên hơn mức cần thiết. Điều này có thể đạt được bằng cách sản xuất theo các vòng lặp tài nguyên đóng kín. Trong nông nghiệp tuần hoàn, chất thải được xem như nguyên liệu thô để sản xuất sản phẩm mới.

Cụ thể trong trường hợp tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ, TCVN 11041-2 về trồng trọt hữu cơ khuyến khích sử dụng phân chuồng từ cơ sở chăn nuôi hữu cơ để bón cho cây trồng của chính cơ sở đó. Trong khi đó, TCVN 11041-3 về chăn nuôi hữu cơ yêu cầu cơ sở chăn nuôi phải tự cung cấp tối thiểu 50 % lượng thức ăn chăn nuôi (tính theo chất khô), bao gồm cả thức ăn từ các đồng cỏ tự nhiên lân cận hoặc thức ăn được liên kết sản xuất với cơ sở sản xuất hữu cơ khác trong khu vực.

Đây cũng là yêu cầu then chốt được nêu trong các tiêu chuẩn trên thế giới như tiêu chuẩn IFOAM, tiêu chuẩn hữu cơ Trung Quốc. Thậm chí, theo quy định về sản xuất hữu cơ của Liên minh châu Âu (EU), đối với động vật ăn cỏ, cơ sở chăn nuôi phải chủ động ít nhất 60 % lượng thức ăn.

3. Tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ thúc đẩy sử dụng năng lượng xanh

Việc hạn chế sử dụng vật tư đầu vào gây hại trong sản xuất nông nghiệp, hạn chế nguy cơ ô nhiễm là yêu cầu xuyên suốt trong các tiêu chuẩn hữu cơ. Điều 5.1.6 của TCVN 11041-1 quy định: “Trong sản xuất hữu cơ, phải hạn chế tối đa việc sử dụng vật tư, nguyên liệu đầu vào là chất tổng hợp trong tất cả các giai đoạn sản xuất, sơ chế, chế biến, bao gói, bảo quản, vận chuyển, phân phối; không được để người và môi trường xung quanh phơi nhiễm với các hóa chất độc hại; giảm thiểu ô nhiễm từ các hoạt động sản xuất, chế biến đến cơ sở và môi trường xung quanh.

Phải có biện pháp phòng ngừa trong trường hợp sự ô nhiễm có thể ảnh hưởng đến tính toàn vẹn hữu cơ của chuỗi cung ứng (…).”

Trong sản xuất và chế biến thực phẩm, đặc biệt tại các cơ sở chế biến nhỏ lẻ, nhiên liệu hóa thạch (xăng, dầu động cơ, mỡ bôi trơn thiết bị v.v…) là một trong những mối nguy đối với an toàn thực phẩm nói chung và mối nguy đối với tính toàn vẹn của sản phẩm hữu cơ. Để cụ thể hóa các yêu cầu nêu trên, TCVN 11041-5 về gạo hữu cơ yêu cầu “Máy móc, thiết bị phải luôn được bảo trì để tránh ô nhiễm nhiên liệu và dầu”; “Nếu sử dụng máy sấy thì phải làm sạch máy trước khi sấy thóc. Phải sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường như vỏ trấu hoặc dùng điện”.

TCVN 11041-6 về chè hữu cơ cũng yêu cầu “Máy móc, thiết bị phải luôn được bảo trì để tránh ô nhiễm nhiên liệu và dầu. Dầu bôi trơn dùng cho máy cắt chè phải có nguồn gốc từ dầu thực phẩm”, “nếu dùng máy cắt chè thì phải sử dụng nhiên liệu không chứa chì để tránh ô nhiễm vào chè và vào đất”.

Trong nuôi tôm hữu cơ, TCVN 11041-8 quy định như sau: “Nếu cần thiết, có thể dùng máy sục khí để duy trì điều kiện sống phù hợp cho tôm (…). Máy bơm nước và máy sục khí phải được sử dụng theo quy trình tiết kiệm năng lượng, vận hành, bảo dưỡng để tránh ô nhiễm xăng dầu hoặc các chất thải nguy hại khác vào đơn vị nuôi tôm”.

Trên đây là những ví dụ cụ thể và điển hình cho thấy các tiêu chuẩn hữu cơ trên thế giới và tại Việt Nam rất chú trọng đến vấn đề bảo toàn hệ sinh thái và ứng dụng năng lượng xanh. Việc thúc đẩy năng lượng xanh trong sản xuất nông nghiệp về trước mắt là nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm (nguyên tắc sức khỏe), bảo vệ môi trường (nguyên tắc sinh thái) và về lâu dài sẽ góp phần cho nền nông nghiệp bền vững.

Lê Thành Hưng, Nguyễn Thúy Hằng – Viện TCCL Việt Nam

tin tức cùng chuyên mục:
Yêu cầu đối với chuyên gia năng suất cao cấp theo TCVN 13751:2023 (487 Lượt xem)
TCVN 13910-1:2024 về hệ thống giao thông thông minh (604 Lượt xem)
Phát triển ngành Halal Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại và bền vững (610 Lượt xem)
Đề xuất tiêu chuẩn xác định hàm lượng chì trong sơn (403 Lượt xem)
So sánh ISO 14001 và LEED – Tiêu chuẩn về bảo môi trường hướng đến phát triển bền vững (462 Lượt xem)
Nâng cao hiệu quả cải cách hành chính nhờ áp dụng ISO 9001:2015 (621 Lượt xem)
Yêu cầu kiểm định, hiệu chuẩn các thiết bị trong cơ sở sản xuất bao bì dược phẩm (275 Lượt xem)
Tiêu chuẩn AS9100: Giấy thông hành cho doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng hàng không, vũ trụ (315 Lượt xem)
Chứng nhận GMP khẳng định chất lượng sản phẩm và uy tín doanh nghiệp (326 Lượt xem)
TCVN 5603:2023 đưa ra nguyên tắc chung về vệ sinh thực phẩm (593 Lượt xem)
Lâm Đồng hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn ISO 22000 (273 Lượt xem)
Lịch sử hình thành và phát triển của HACCP (750 Lượt xem)
Tiêu chuẩn FSSC 22000 đảm bảo kiểm soát an toàn thực phẩm trong chuỗi cung ứng (561 Lượt xem)
TCVN 13589-11:2023 về điều tra, đánh giá và thăm dò khoáng sản (382 Lượt xem)
QCVN 15:2023 về yêu cầu an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt (495 Lượt xem)
Lợi ích khi áp dụng tiêu chuẩn ISO 26000 về trách nhiệm xã hội (460 Lượt xem)
Hệ Thống Quản Lý An Toàn Thông Tin Theo Tiêu Chuẩn ISO/IEC 27001:2022 : Đối Tượng Và Lợi Ích (830 Lượt xem)
TCVN 5372:2023 về xác định đặc tính ngoại quan và tính chất cơ lý của đồ gỗ nội thất (530 Lượt xem)
Tiêu chuẩn ISO 9001:2015 đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ (581 Lượt xem)
7 nguyên tắc cơ bản của tiêu chuẩn HACCP (327 Lượt xem)
HƠN 3000 DOANH NGHIỆP ĐƯỢC CHUYÊN GIA CỦA ICERT TƯ VẤN, ÁP DỤNG HIỆU QUẢ VÀ ĐẠT CHỨNG NHẬN THEO TIÊU CHUẨN QUỐC GIA VÀ QUỐC TẾ
ICERT Miền Bắc Công ty CP Tư vấn Chứng nhận Quốc tế ICERT
Mã số thuế: 0108091764
Địa chỉ:  Số 07, ngách 21, ngõ 168 Nguyễn Xiển, Hạ Đình, Thanh Xuân, Tp. Hà Nội
Hotline: 0963 889 585

Tel: 024 6650 6199
Email: hn@icert.vn
DMCA.com Protection Status
ICERT Miền Trung Công ty CP tư vấn chứng nhận Quốc tế ICERT CENTRAL
Mã số thuế: 0401783654
Địa chỉ: K171/63 Trần Thái Tông, Phường An Khê, Quận Thanh Khê, Tp. Đà Nẵng
Hotline: 
0914 588 159
Email: dn@icert.vn
 
ICERT Miền Nam Công ty CP tư vấn chứng nhận Quốc tế ICERT GLOBAL
Mã số thuế: 0316085828
Địa chỉ: Tầng 4, 232/1/33 đường Bình Lợi, Phường 13, Quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh
Hotline: 0966 995 916

Tel: 028 6271 7639
Email: hcm@icert.vn
 
Hotline 24/7: Bắc: 0963 889 585/ Trung: 0914 588 159/ Nam: 0966 995 916
Nhắn tin zalo ICERT
Chat zalo với ICERT